Nguy cơ ô nhiễm cao từ các phương tiện giao thông

Thứ hai, 12/12/2016 16:53
(ĐCSVN) – Hoạt động giao thông vận tải hiện được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư, nơi mà hoạt động giao thông phát triển mạnh. Đây chính là mối lo và là bài toán nan giải đối với cộng đồng.

Ùn tắc giao thông là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hoàn Nguyễn).

Ô nhiễm ngày càng tăng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ phát triển khá nhanh. Trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông cả nước từng bước được cải thiện. Một số công trình giao thông lớn quan trọng đã hoàn thành như: Cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài, đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây và rất nhiều công trình giao thông khác.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: Chi phí vận tải cao; tính kết nối các vùng, miền còn hạn chế, chủ yếu vận tải bằng đường bộ; giao thông đô thị chưa phát triển, ví dụ như: Vận tải hành khách công cộng trong đô thị còn hạn chế, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng còn thấp, cùng với phát triển và xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp (KCN) dọc theo các tuyến quốc lộ... này đã gây tình trạng bức xúc về giao thông, ô nhiễm môi trường và tạo sức ép lớn đến môi trường không khí nước ta.

Đặc biệt, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và việc gia tăng dân số cơ học tại các đô thị, sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như gia tăng sự ô nhiễm không khí tại các đô thị.

Theo thống kê, phương tiện cơ giới tăng cao theo từng năm. Tại Hà Nội, xe con tăng bình quân 17,23%/ năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm. Đi đôi với số lượng xe lớn là mật độ phương tiện ở mức quá cao. Ô tô cá nhân tập trung cao độ ở đô thị lớn, chiếm dụng mặt đường và mức độ khí thải cao gấp từ 5 - 10 lần so với xe máy. Bên cạnh đó, số lượng xe máy cũ, xe kém chất lượng, xe không được bảo dưỡng thường xuyên, định kì, đúng quy cách, chiếm khá lớn và đây chính là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí ở đô thị.

Điển hình, tại Đồng Nai, việc xây dựng đường dẫn lên cầu Đồng Nai, cầu vượt Tân Vạn, xây dựng cầu vượt qua tuyến đường sắt tại ngã ba Cua Heo (thị xã Long Khánh) kéo dài trong cả năm 2014 gây ô nhiễm bụi đối với các khu vực xung quanh.

Tại Hà Nội, việc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xây dựng trong thời gian kéo dài (khởi công cuối năm 2011, dự kiến kéo dài đến tháng 6/2016) gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao thông và sinh hoạt của các khu vực dân cư xung quanh. Ô nhiễm bụi là vấn đề dễ nhận biết nhất bằng mắt thường, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.

Theo Hiệp hội Xăng dầu ước tính, xăng dầu tiêu thụ nội địa cả năm 2015 đạt khoảng 16,4 triệu m3 /tấn (tăng khoảng 6% so với năm 2014), trong đó khoảng 50% là tiêu thụ dành cho các phương tiện giao thông vận tải. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam có sức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh nhất khu vực. Tính riêng giai đoạn từ 1994 đến 2013 (trong thời gian 20 năm), mức độ tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam tăng 7,5% năm. Với giả định tốc độ tăng từ nay đến năm 2020 cũng là 7,5% thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng hơn 23,5 triệu m3 /tấn.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động giao thông vận tải đang tiếp tục gây áp lực rất lớn lên môi trường, nhất là môi trường không khí tại các đô thị (hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm đến 30% tổng số xe máy, mô tô và 50% số xe ô tô các loại của cả nước). Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ trong quản lý và kiểm soát nguồn thải tại khu vực đô thị trong thời gian sắp tới.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu để tạo ra sự chuyển động, quá trình đốt cháy nhiên liệu này đã dẫn tới phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí khác nhau, bao gồm: CO, VOCs , SO2 , NOx , bụi chì,... Bên cạnh đó, còn kéo theo sự hình thành bụi TSP do đất cát bị cuốn bay lên từ mặt đường phố mất vệ sinh trong quá trình di chuyển.

Nguy hiểm hơn, các chuyên gia chỉ ra rằng, sự gia tăng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là ô tô và xe máy cùng với chất lượng các tuyến đường chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng nhiên liệu sử dụng còn thấp là những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường không khí. Cùng với đó, chất lượng phương tiện còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên), làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Nhiều tuyến đường chật hẹp, xuống cấp, thiếu quy hoạch đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại cùng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao gây hiện tượng ùn tắc giao thông cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trước thực trạng trên, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như: Thực hiện chương trình kiểm tra và bảo dưỡng. Theo đó, các phương tiện xe cộ đã đăng ký phải được kiểm tra về sự phát thải hàng năm trước khi cấp, đổi giấy phép lái xe. Khuyến khích việc vệ sinh môi trường giao thông bằng cách phun nước, quét đường; khuyến khích sự phát triển của các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như: Khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, cồn nhiên liệu, biodiesel và điện.

Đánh giá về tình hình ô nhiễm hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Dương Tùng cho biết, tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... tình trạng ô nhiễm không khí là khá cao. Đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn rất nặng. Hà Nội là một trong 10 thành phố trên thế giới ô nhiễm nhất về bụi. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích. Bụi chui vào phổi sâu, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.

Bởi vậy, để kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị, cần thực hiện kiểm soát nguồn thải từ ô tô, xe máy, tiến hành kiểm định khí thải đối với ô tô, xe máy. Thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng. Cùng với đó, cần tăng cường ý thức của người tham gia giao thông. Hiện nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Ý thức tham gia giao thông  của nhiều người còn hạn chế, gây ùn tắc giao thông cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ TN&MT phối hợp triển khai trong thời gian gần đây, chú trọng triển khai các giải pháp kiểm soát, giảm khí phát thải từ các phương tiện cơ giới. Trong đó, việc kiểm định khí thải đối với xe máy, tiến tới lộ trình giảm phương tiện cá nhân đang là giải pháp căn cơ để kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới.

Để cụ thể hóa, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ GTVT Đề án kiểm soát khí thải xe máy bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Theo đó, 5 thành phố có số lượng, mật độ xe máy lớn, mức độ ô nhiễm không khí cao là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ khởi động chiến dịch kiểm định khí thải xe máy từ năm 2018 -2020, sau đó sẽ triển khai đồng loạt trên cả nước./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực