Phân loại rác tại nguồn: Cần thu gom, xử lý đồng bộ

Thứ năm, 04/06/2020 13:08
(ĐCSVN) – Đó là nhận định cảa ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tại buổi gặp gỡ báo chí tuyên truyền về những quy định mới của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) diễn ra ngày 3/6 tại Hà Nội.

 

Ảnh minh hoạ: Bích Liên 

Trả lời băn khoăn của báo chí về việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, việc phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống hạ tầng từ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được đầu tư đồng bộ. Việc thay đổi này cần lộ trình thực hiện. Ví dụ, quy định của luật sẽ tác động đến kết cấu hạ tầng của các khu chung cư mới, các khu đô thị mới để đáp ứng yêu cầu về phân loại, thu gom rác thải được phân loại tại nguồn.

Về giá của các túi đựng rác để làm cơ sở tính toán chi phí thu gom, xử lý rác, theo dự thảo Luật, sẽ do UBND cấp tỉnh quy định mức giá cụ thể tùy vào điều kiện của từng địa phương. Về công nghệ xử lý rác, năm nay, Bộ TN&MT sẽ đưa ra danh sách khuyến cáo các công nghệ xử lý rác để các địa phương có thể áp dụng.

Cùng với đó, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) còn đưa ra quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, để các quy định thực sự có hiệu quả, dự thảo Luật đưa ra quy định về sự giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Mặt khác, theo ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), dự thảo Luật còn hướng đến việc quy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với vỏ bao bì sản phẩm thải bỏ. Cụ thể, có 3 quy định rõ ràng. Một là, quy định về đăt cọc hoàn trả: Nhà sản xuất có nhu cầu thu hồi, tái chế thu gom bao bì, chai lọ thì có quyền đặt một khoản tiền trong giá thành sản phẩm và công khai giá đó. Người dùng sẽ biết được vỏ bao bì đó bao nhiêu tiền và có quyền lấy lại tiền đó.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế bao bì: Nhà sản xuất có trách nhiệm tái chế sản phẩm đó theo quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền ban hành. Theo dự án luật, nhà sản xuất phải thu gom sản phẩm đó theo tỷ lệ nhất định, đảm bảo tỷ lệ tái chế tăng dần hàng năm. Lúc này, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 sự lựa chọn: hoặc họ tự tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế. Nếu không tự tái chế thì đóng một khoản tiền về Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ sẽ chi trả trực tiếp cho đơn vị tái chế. Cơ sở tái chế phải đảm bảo 2 điều kiện: đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đơn vị kiểm toán sẽ xác nhận tỷ lệ tái chế, đảm bảo việc này hoàn toàn công khai minh bạch, với mục đích nâng cao tỷ lệ tái chế ở Việt Nam.

Thứ ba, quy định về trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với một số sản phẩm không thể tái chế thì phải có đóng góp tài chính để xử lý chất thải.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực