Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai

Thứ tư, 04/07/2018 16:58
(ĐCSVN) – Việc xây dựng và hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là 1 trong 5 cơ sở dữ liệu được Chính phủ ưu tiên xây dựng.

 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BL

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo cấp Quốc gia dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: Căn cứ Quyết định số 224 ngày 23/1/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)”, Ban chỉ đạo cần đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện dự án giai đoạn 2018 - 2022 ở cả cấp Trung ương và địa phương thuộc phạm vi dự án, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, gắn kết trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo với cơ quan, đơn vị đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của dự án...

Dự án VILG gồm ba hợp phần: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu và quản lý dự án.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ sở dữ liệu đất đai có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp vận hành công tác quản lý Nhà nước; xây dựng dịch vụ công đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách…

Theo đó, sẽ xây dựng một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất…). Hỗ trợ tăng cường công tác quản lý đất đai và đảm bảo thực hiện thống nhất Luật Đất đai ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất… Đặc biệt, hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu – cuối của các Văn phòng và đào tạo cán bộ.

Dự án được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn đầu tư 180 triệu USD. Dự án được triển khai tại Bộ TN&MT và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), để triển khai dự án, Bộ TN&MT đã thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia và Ban quản lý dự án cấp Trung ương gồm 26 thành viên, Bộ trưởng Bộ TN&MT là Trưởng Ban. Đã có 18/33 Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố được thành lập. 19/33 tỉnh đã thành lập Ban quản lý dự án. Có 6 tỉnh, thành phố chưa thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình và Cần Thơ.

Hiện đã có 32/33 tỉnh được giao vốn đầu tư công trung hạn. Năm 2018, đã có 27/33 tỉnh được giao vốn IDA và 23/33 tỉnh được giao vốn đối ứng.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực