Thành công bước đầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng

Thứ sáu, 21/04/2017 18:30

(ĐCSVN) – Năm 2010, được sự cho phép của Trung ương, TP. Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH). Đây là địa chỉ thực hiện chức năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH  phục vụ sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn; đồng thời tạo tiền đề để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH khu vực Nam Trung bộ sau này.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.Đà Nẵng, Trung tâm CNSH Đà Nẵng được thành lập vào năm 2010, có diện tích 05 ha, toạ lạc trên địa bàn 2 phường Hoà Thọ Tây và Hoà Phát (quận Cẩm Lệ). Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng ngày 28/9/2016 đồng ý về nguyên tắc việc mở rộng, nâng cấp Trung tâm CNSH Đà Nẵng thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH phục vụ nông nghiệp và y dược cho các tỉnh Nam Trung bộ, ngày 25/11/2016, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có Quyết định 8128/QĐ-UBND quy hoạch mở rộng Trung tâm CNSH Đà Nẵng với tổng mặt bằng lên 8,9ha.

Mặc dù thời gian hoạt động chưa lâu, song từ khi thành lập (năm 2010) đến 2016, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành hữu quan của Trung ương và sự quan tâm của Lãnh đạo TP; sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, khoa học trong đơn vị, Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã thu được nhiều thành công đáng khích lệ. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và trực tiếp nghiên cứu khoa học với 24 người. Hầu hết  các cán bộ này đều có trình độ từ kỹ sư, cử nhân đến thạc sỹ, tiến sỹ và được tuyển chọn từ dự án nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.

Cùng với sự phát triển về đội ngũ, Trung tâm đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất và đời sống của người dân TP. Từ năm 2010 đến 2016, Trung tâm đã chủ động tiếp nhận các thành tựu khoa học và công nghệ từ dự án Nông thôn miền núi do Trung ương triển khai và các quy trình công nghệ của các Viện, Trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh như: quy trình nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu; quy trình tổng hợp một số loại hoa chậu và hoa thảm; quy trình trồng lan hồ điệp theo mô hình công nghiệp; quy trình trồng cây dược liệu dó bầu, sa nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quy trình này chưa thực sự phù hợp với điều kiện tự nhiên của TP, do đó Trung tâm đã tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy trình trên để phù hợp với điều kiện của Đà Nẵng nhằm có thể chuyển giao được và hiệu quả cho người dân.

Đến nay, Trung tâm cũng đã tự mình nghiên cứu tạo ra các quy trình như: quy trình trồng cúc lá nhám; quy trình sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý bã thải trồng nấm; quy trình trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh; quy trình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong trồng rau an toàn… ứng dụng thành công tại địa phương.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm CNSH Đà Nẵng: Trong các đề tài, dự án mà Trung tâm đã triển khai, có 05 dự án nông thôn miền núi, 08 đề tài cấp TP (hiện có 02 đề tài đang triển khai thực hiện), 03 dự án sản xuất thử nghiệm (cũng đang triển khai). Các đề tài, dự án này chủ yếu là ứng dụng CNSH vào nông nghiệp, y dược.

Thông qua các dự án, đề tài trên, Trung tâm không những đã huy động được sự hợp tác của các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan chuyển giao công nghệ và lực lượng các nhà khoa học của Trung ương và các địa phương khác về hướng dẫn tổ chức thực hiện, chuyển giao công nghệ mà nhiều cán bộ kỹ thuật tại địa phương cũng như bà con nông dân trong vùng dự án đã được đào tạo, tiếp nhận và làm chủ công nghệ sau khi chuyển giao.

“Các đề tài, dự án này đã được nghiệm thu và có giá trị thực tiễn. Đây là cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp cho các cơ quan chuyên môn trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, một số đề tài về nhân giống hoa do Trung tâm chủ trì được nghiệm thu đã hoàn thiện một số quy trình trồng các giống hoa như cúc,ly ly… thích hợp với điều kiện khí hậu Đà Nẵng và đã chuyển giao rộng rãi cho người dân trồng”- ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm CNSH Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Lan hồ điệp sau khi nuôi cấy mô được Trung tâm CNSH Đà Nẵng đưa ra trồng đại trà.

Từ những thành công ban đầu này, Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Đáng kể như đã nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều quy trình công nghệ cho hơn 2.200 lượt nông dân với 43 mô hình, nhiều mô hình đã nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng cây trồng, tạo đà thay đổi cơ cấu cây trồng, nghề nghiệp ở địa phương, hướng đến phát triển bền vững và an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Phối hợp với các Viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và Hội Nông dân các cấp tập huấn chuyển giao công nghệ cho nông dân; đào tạo thực hành các kỹ thuật công nghệ sinh học cơ bản cho hàng trăm sinh viên của các trường trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận; xây dựng và ký kết các chương trình hợp tác với Trung tâm khuyến nông, Hội Nông dân và chính quyền huyện và các xã của huyện Hoà Vang về thực hiện chương trình đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp năm 2016...

Ngoài ra, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm CNSH Đà Nẵng, hiện Trung tâm cũng đã triển khai dự án “Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm” và đã lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự án, báo cáo lãnh đạo Sở KHCN để tham mưu TP cho triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực