Tiền Giang chủ động dập dịch sốt xuất huyết, không để lan rộng

Thứ tư, 28/08/2019 10:57
(ĐCSVN) – Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình dịch sốt xuất huyết, sớm phát hiện và điều trị tích cực tại chỗ những ca bệnh, không để diễn biến nặng hay xảy ra tử vong, khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan trên diện rộng.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, tính từ đầu năm đến ngày 18/8, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.400 ca sốt xuất huyết, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 15 ca; có 01 trường hợp tử vong vào tháng 2/2019.

Các địa phương có tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết cao, huyện Cái Bè có tỷ lệ mắc cao nhất (488 trường hợp), kế tiếp là Châu Thành (403 trường hợp) và TP Mỹ Tho (330 trường hợp).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, trong các ngày 12/8 đến ngày 18/8, có 20 xã thuộc 5 huyện vượt đường cong chuẩn và có nguy cơ gây bùng phát sốt xuất huyết là các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Cái Bè Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công. Bên cạnh đó, có 17 xã thuộc 6 huyện vượt đường trung bình chuẩn…

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viên Đa khoa Trung tâm Tiền Giang - Ảnh: Thanh Hoàng

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng như hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đề nghị các huyện có các xã vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn, cần theo dõi và báo cáo UBND tỉnh khẩn trương tiến hành dập dịch đúng quy định, không để dịch lan rộng; đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn tiến của dịch.

Đối với các hộ gia đình, cần thực hiện và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay tại chỗ như: diệt muỗi, diệt lăng quăng, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, phòng tránh muỗi đốt…

Trước đó, nhằm tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch.

Sở Y tế Tiền Giang đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết ở tất cả các huyện và các xã có số mắc cao có nguy cơ bùng phát dịch nhằm hỗ trợ và can thiệp hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch…

Bên cạnh đó, ngành Y tế  tỉnh Tiền Giang đã phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “Không có lăng quăng không có sốt xuất huyết”; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, đến nay nhiều huyện thị trong tỉnh đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Qua thực tế giám sát cho thấy người dân hiểu rõ và hợp tác tốt hoạt động diệt lăng quăng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân đổ bỏ nước trong các vật chứa nước chính có lăng quăng tại một số hộ gia đình vẫn không khả thi vì người dân vẫn tiếp tục dự trữ nước mưa trong các vật chứa cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và lăng quăng tiếp tục gia tăng trong những ngày sau chiến dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang khuyến cáo người dân sử dụng tấm ny lông có sẵn, nắp để đậy kín vật chứa, trữ nước sẽ phù hợp hơn. Do đó, khi tổ chức diệt lăng quăng, cán bộ y tế cần tham mưu cho Ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên… hướng dẫn cho người dân nhiều biện pháp thực hiện cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại hộ gia đình nhằm đạt sự đồng thuận và hiệu quả cao.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong thời gian tới, ngành Y tế cần chủ động tham mưu UBND tỉnh tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, điều trị tích cực tại chỗ những ca bệnh, không để diễn biến nặng hay xảy ra tử vong, khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan trên diện rộng; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh.

Các đơn vị chuyên môn cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị, giám sát, phòng chống bệnh sốt xuất huyết theo quy định; chuẩn bị đủ trang thiết bị, hóa chất, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để điều trị kịp thời người bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện./.

Minh Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực