Tiếp cận và làm chủ xu thế “ảo hóa” trong cuộc cách mạng 4.0

Thứ bảy, 14/09/2019 17:35
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, “ảo hóa” đang trở thành xu thế chung đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc tiếp cận, nắm bắt và làm chủ xu thế “ảo hóa” đang là bài toán đặt ra trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay...
 

Thực tế ảo có khả năng ứng dụng rộng rãi. (Nguồn: tourzy.vn)

“Ảo hóa” là xu thế mới xuất hiện gắn liền với cuộc cách mạng 4.0. Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến phạm trù “ảo” theo nghĩa hẹp như: Thị trường chứng khoán, tiền điện tử, thương mại điện tử… thì nay nội hàm khái niệm “ảo” đã được mở rộng đến mức gần như “không giới hạn”, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công nghệ thực tế ảo

Thực tế ảo (virtual reality-VR), là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính, hình ảnh hiển thị trên màn hình thông qua kính nhìn ba chiều, cùng với các giác quan khác như âm thanh hay xúc giác... Ngoài ra còn có Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality-AR) là cụm từ mô tả trạng thái vật lý xung quanh con người và được chèn thêm các chi tiết ảo nhờ vào smartphone, máy tính hay các thiết bị điện tử khác, với 4 nhiệm vụ cơ bản, riêng biệt và kết hợp đầu ra một cách hữu ích.

Công nghệ VR là thuật ngữ mới xuất hiện vào đầu thập kỷ 90 và phát triển mạnh trong mấy năm gần đây. Tại Mỹ và châu Âu và một số nước trên thế giới VR đã và đang trở thành công nghệ mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực và tiềm năng kinh tế cao, nhất là tính lưỡng dụng.

VR là một hệ thống mô phỏng trong đó đồ họa máy tính được sử dụng để tạo ra một thế giới “như thật”. Thế giới “nhân tạo” này lại phản ứng, thay đổi theo ý muốn (tín hiệu vào) của người sử dụng (nhờ hành động, lời nói,..). Đặc tính quan trọng nhất của VR là tương tác thời gian thực. Tức là khả năng nhận biết thế giới thực gần trùng khít với thế giới ảo, thậm chí AR còn phong phú hơn.

Hệ thống VR có 5 thành phần: (1) Phần mềm (SW), (2) Phần cứng (HW), (3) Mạng liên kết, (4) Người dùng, (5) Các ứng dụng. Trong đó, SW, HW và các ứng dụng là quan trọng nhất. Được biết, ngay từ năm 2011, Bộ Tài chính Việt Nam đã cho thử nghiệm công nghệ “ảo hóa” máy chủ để nâng cao hiệu quả của hệ thống máy chủ của ngành.

Tính phổ biến trong ứng dụng

Tại các nước phát triển và đang phát triển, công nghệ VR được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, địa ốc, kiến trúc, giải trí, du lịch, giáo dục, dịch vụ, tài chính, thương mại, quân sự, quốc phòng, an ninh…

Công nghệ VR và AR đang trở thành công cụ chính của nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động kinh tế, thương mại của các doanh nghiệp. Theo đó, người tiêu dùng mua sắm hàng hóa ngày càng có xu hướng sử dụng công nghệ ảo để đưa ra các quyết định ngay tại nhà hoặc trên thiết bị di động.

Dịch vụ giao hàng tại nhà bằng máy bay không người lái đã và đang được nhiều nước đưa vào ứng dụng, thử nghiệm; việc can thiệp của người tiêu dùng vào quá trình sản xuất cũng được thực hiện thông qua phương tiện giao dịch ảo.

Trong lĩnh vực sản xuất để giảm lỗi trong quy trình phay kim loại tự động, nhờ kết nối 5G (thử nghiệm) đã giảm bớt sai sót từ 25% xuống còn 15%, thậm chí máy có thể dừng trước khi xẩy ra lỗi…

Phương tiện tự lái với sự trợ giúp của 5G sẽ cách mạng hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, các đội xe tải tự động lái, đội vận tải chuyển hàng “ảo” được kết nối với nhau, làm gia tăng hiệu quả của công tác vận chuyển.

Trong lĩnh vực quân sự, người ta đang phát triển hệ thống mô phỏng thực chiến cho binh sĩ tập bắn, sử dụng VR và một hệ thống khác dùng để đào tạo kỹ năng khai thác vũ khí và chỉ huy từ xa. Công nghệ VR và AR còn được sử dụng vào việc nguy hiểm như gỡ bom, mìn. Trong đội hình tác chiến, mỗi người lính sẽ được mang một thiết bị (AR) nhỏ như đồng hồ đeo tay, nhưng họ có đầy đủ thông tin về mục tiêu, kế hoạch tác chiến, liên lạc và tình hình thực tế, vị trí tác chiến của các thành viên, mà không chịu tác động của GPS.

Tại chiến trường, thương binh có thể được tiêm cấp cứu nhờ thiết bị tự động có nối mạng 5G với bệnh viện dã chiến. Máy bay trực thăng cứu thương không người lái có thể đến hiện trường sơ tán thương binh. Phát hiện kẻ địch lẩn trốn nhờ dữ liệu âm thanh được trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích và xác định chính xác. Máy bay không người lái siêu nhỏ có thể được điều động đến tiêu diệt địch bằng súng ngắn...

Công nghệ thực tế ảo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, việc ứng dụng VR và AR trong một số lĩnh vực cũng đã xuất hiện như: đào tạo, huấn luyện, dạy nghề; phẫu thuật thông qua màn hình; giảng dạy từ xa, đào tạo lái xe; trong ngành xây dựng, du lịch và vui chơi giải trí...

Mới đây, ngày 10/9, tại Cần Thơ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp cùng UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ khai trương “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động - thành phố Cần Thơ”.

Siêu thị “ảo” VinMart 4.0 đã đi vào hoạt động. Theo đó, dịch vụ mua sắm ứng dụng Scan & Go đã mở rộng phạm vi tới 73 siêu thị trên cả nước, với việc mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp phích khổ lớn gần giống như quầy hàng thực tế trong siêu thị.

Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại VinMart 4.0 và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. Người dùng còn có thể trải nghiệm “mua hàng từ xa” và có thể được giao hàng tận tay người mua chỉ sau 2-4 giờ.

Từ năm 2012, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã bắt đầu phát triển hệ thống ứng dụng công nghệ VR để mô phỏng cơ thể ảo nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu Bộ môn giải phẫu của nhà trường, năm 2015 đã được ứng dụng trên thực tế.

Hệ thống mô phỏng các bộ phận chính của cơ thể người như hệ xương, cơ, thần kinh, tiêu hóa... Thông qua mô hình và hệ thống phần cứng điều khiển, tương tác, sinh viên làm quen với việc thực hành trên các thiết bị nội soi và thực hành giải phẫu thay vì học trực tiếp theo kiểu truyền thống.

Việc tích hợp công nghệ VR đã tạo hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến đào tạo, trao đổi tư vấn, hội chẩn giữa tuyến Trung ương với địa phương, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa... hướng tới mô hình bệnh viện điện tử.

Mới đây, sự góp mặt Các công ty thực tế ảo hàng đầu tại Việt Nam cũng gây được ấn tượng. Theo đó, các ứng dụng VR và AR được ghi nhận gồm: Bộ sách tô màu 4D Kolorfun; Tham quan chùa Trấn Quốc, căn hộ mẫu, căn hộ với thiết bị di động, tabets; Game Dinohunter 360, Game Duckshot 360 chém hoa quả 3D; AR thời trang, nội thất; Bán lẻ-thương mại điện tử; và một số sản phẩm, ứng dụng khác...

Rõ ràng, “ảo hóa” đang là xu thế lớn của sự phát triển xã hội hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm tiếp cận, nắm bắt và làm chủ xu thế “ảo hóa” gắn với khai thác các tiến bộ của cuộc cách mạng 4.0 nhằm có được những bước phát triển vững chắc, hiệu quả./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực