Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Thứ tư, 19/04/2017 22:57
(ĐCSVN) - Ngày 19/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Mạng lưới hợp tác về Nước (Cộng hòa Liên bang Đức), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Khánh Ly

Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức chung về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, đặc biệt là về an ninh nguồn nước, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức chuyên ngành về công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm trong phòng tránh thảm họa môi trường bằng các giải pháp thực tiễn.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.

Nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng tăng nhanh, năm 1990 khoảng 50 tỷ m3 khối/năm, năm 2000 khoảng 65 tỷ m3 khối/năm, năm 2010 khoảng 72 tỷ m3 khối/năm; dự báo nhu cầu nước năm 2020 là 80 tỷ m3 khối/năm. Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy bề mặt thay đổi rõ giữa các mùa trong năm, chiếm 75-85% trong mùa mưa, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô. 

Hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nếu không có hành động kịp thời. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.

Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long có 828.000 ha đất bị nhiễm mặn, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung bộ có gần 56.000 ha đất bị nhiễm mặn, 759.000 ha bị hoang hoá, sa mạc hóa.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa cán cân nguồn nước. Bão lũ gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản, làm sạt đất, lở núi, xói bờ và xâm thực ven biển. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa các vùng trong cả nước.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cũng cho rằng, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm đã và đang suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh.

Bởi vậy, việc tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu đã để bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng,  cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, cần có hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Bên cạnh đó, phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong bảo đảm an ninh nguồn nước. Các nhà quản lý, nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt như hiện nay.

Đồng thời, cần phải thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực bảo đảm an ninh nguồn nước nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung. Để làm được điều này cần đảm bảo 3 yếu tố: Chia sẻ thông tin, tạo thị trường sinh lợi nhuận và tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tiềm năng của lĩnh vực này.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực