TP.Hồ Chí Minh: Số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng nhanh trong mùa tựu trường

Thứ năm, 13/09/2018 00:25
(ĐCSVN) – Mặc dù tính từ đầu năm tới nay, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, số trẻ bị tay chân miệng lại tăng nhanh.
Bác sĩ đang điều trị cho trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Vương Lê

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Hồ Chí Minh, tính riêng trong tuần đầu tháng 9 này, số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố đã tăng 7% so với tuần trước đó.

Theo số liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 2, (TP.Hồ Chí Minh) trong tháng 8 vừa qua số ca nhập viện điều trị tay chân miệng đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm tới nay, tại phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng 2 có 11.388 trẻ mắc tay, chân miệng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số trẻ phát hiện bệnh trong tháng 8 là 4.511 trẻ, tăng hơn 100% so với tháng trước đó. Trong đó có nhiều ca phải nhập viện điều trị. Từ đầu năm tới nay, viện Nhi đồng 2 điều trị cho 1.094 trẻ bị tay chân miệng thì riêng trong tháng 8 đã là 425 trường hợp, tăng gấp đôi so với tháng 7.

Theo bác sĩ Thu, thời tiết gần đây thay đổi, mưa ẩm, nên các bệnh sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng nhanh. Đây cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng đáng phải lưu ý do là mùa tựu trường (nhà trẻ và trường học được xem là môi trường dễ lây lan bệnh tay chân miệng nhất) nên tình hình bệnh khả năng diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, tại bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc tay chân miệng cũng đang có dấu hiệu tăng lên. Thường xuyên có một số ca nặng, đã có 2 bé phải thở máy và một phải lọc máu.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh tay chân miệng là một bệnh lành tính nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dễ dẫn đến tử vong.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể được điều trị tại nhà nhưng khi thấy trẻ sốt cao không hạ, giật mình, choáng váng, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, run tay, run chân, đi đứng không vững... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời để tránh các biến chứng thần kinh nguy hiểm có thể xảy ra./.

Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực