Phiên thảo luận chuyên đề “Vấn đề già hoá dân số và Cơ hội kinh doanh.”
Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề “Hợp tác ASEAN-Nhật Bản vì sự thịnh vượng” tại Hà Nội ngày 04/06/2019, đã diễn ra Phiên thảo luận chuyên đề “Vấn đề già hoá dân số và Cơ hội kinh doanh.”
Phiên thảo luận thu hút sự tham gia của các bộ, ngành hữu quan, các tổ chức hợp tác và nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN cùng hơn 100 đại biểu từ các doanh nghiệp và hiệp hội quan tâm.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản Masataka Fujita cho biết tới 2050, tỉ lệ người già ở ASEAN sẽ đạt 21%, gấp đôi con số hiện nay. Tốc độ này của Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn các nước trong khu vực: đến 2050, tỉ lệ người già ở Việt Nam sẽ là 28%.
Ông Shozo Sakata, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của JETRO nhận định xu thế này sẽ tạo áp lực lớn cho lực lượng lao động, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt là tình trạng nghèo đói của nhóm người trên 65 tuổi. Dưới góc độ chính sách, quá trình già hóa dân số đòi hỏi sự cải tổ lớn trong cấu trúc kinh tế theo hướng tăng cường năng suất lao động, cải thiện phúc lợi và an sinh xã hội, thiết lập các chính sách hỗ trợ công.
Đồng quan điểm này, ông Sakarn Bunnag của Bộ Y tế Thái Lan nhấn mạnh việc thành lập các cơ sở tái đào tạo và hỗ trợ người cao tuổi như Trung tâm ASEAN về Già hóa chủ động và sáng tạo (dự kiến tháng 11/2019) sẽ giúp phổ biến kiến thức, hỗ trợ triển khai chính sách công về già hóa tích cực, sáng tạo tại các nước ASEAN. Trung tâm này hỗ trợ các nước ASEAN trong việc quy tụ tri thức, xây dựng chính sách, nâng cao năng lực và theo dõi những tiến bộ trong thúc đẩy già hóa tích cực của ASEAN.
Các diễn giả chia sẻ dự báo rằng, mặc dù đặt ra nhiều thách thức, già hóa dân số cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như sản phẩm và dịch vụ cho người già (như thực phẩm chức năng, thiết bị chuyên dụng, đào tạo kỹ năng, dịch vụ chăm sóc dài hạn, y tế); các công việc mới cho người cao tuổi cũng sẽ xuất hiện, cung cấp việc làm và thu nhập, cho tầng lớp này, giảm tải áp lực sinh kế cho lực lượng lao động nòng cốt.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, tình trạng già hóa dân số tại các nước như Nhật Bản đang là cơ hội lớn cho xuất khẩu lao động Việt Nam (hiện có 160.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật). Sau khi trở về nước, đây cũng sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia vào nhiều lĩnh vực dịch vụ phục vụ người già đang hình thành và phát triển tại Việt Nam.
Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Cường, Phó Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, cho biết thị trường dịch vụ phục vụ người già ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, Vingroup đã triển khai đầu tư trong nhiều lĩnh vực như công nghệ giám sát y tế (Vintech), dữ liệu lớn về y tế, hệ thống dược phẩm VinFa, và mạng lưới cung cấp thực phẩm sạch VinEco. Đại diện của Renaissance, công ty dịch vụ thể chất Nhật Bản, cho biết phân khúc người cao tuổi hiện chiếm tỉ trọng khá lớn trong số khách hàng của công ty tại thị trường Việt Nam.
Những chia sẻ của khu vực tư nhân đã khẳng định dự báo của các diễn giả: cơ hội sẽ chia đều cho cả các tập đoàn lớn lẫn các doanh nghiệp nhỏ, với điều kiện chính quyền tạo dựng môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi và doanh nghiệp biết nắm bắt những cơ hội mà sự chuyển dịch nhân khẩu học này mang lại./.