Đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng bác sĩ "dởm" hành nghề

Thứ hai, 11/11/2024 16:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội nêu thực tế, thời gian qua, các cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám, phòng mạch bác sĩ có yếu tố nước ngoài,.. treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, trong đó không ít bác sĩ “dởm” không có bằng cấp hành nghề.

Tiếp tục chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn tập trung vào nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Tiến tới quản lý giấy phép hành nghề trên toàn quốc

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, cử tri rất bức xúc vấn đề liên quan tới nơi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

“Người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào, dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau” - đại biểu nêu thực tế và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, hiện nay Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi cũng như Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã có các quy định liên quan tới việc cấp giấy phép hành nghề đối với người hành nghề. Theo đó, một người hành nghề chỉ có một giấy phép và hiện nay chúng ta đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép hành nghề.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian trước năm 2023, Bộ Y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Đến thời điểm này, có hơn 430.000 người đã được đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 người hành nghề trên toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng từ những năm 2015, năm 2016 trên cơ sở hệ thống đóng. Chính vì vậy, hiện Bộ Y tế đang điều chỉnh các nội dung để nâng cấp phần mềm này, nhằm cập nhật cũng như quản lý, sử dụng theo đúng tinh thần của Nghị định số 96 và Luật Khám, chữa bệnh năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

“Trên cơ sở nâng cấp phần này và kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của quốc gia và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thì trong thời gian tới Bộ Y tế cũng đang triển khai các giải pháp để làm sao chúng ta có một hệ thống thống nhất trên toàn quốc. Theo đó, ngành y tế cũng như lãnh đạo các cấp và y tế của các địa phương đều có thể tham khảo và nắm được thông tin về người hành nghề để quản lý theo đúng quy định của luật pháp” – Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Giải pháp khắc phục tình trạng bác sĩ "dởm" hành nghề?

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: "Thời gian qua, các cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám, phòng mạch bác sĩ có yếu tố nước ngoài,.. treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, trong đó không ít bác sĩ “dởm” không có bằng cấp, quảng cáo bệnh này lại điều trị bệnh khác". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân của việc cấp phép những cơ sở này? Đồng thời cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Luật Khám chữa bệnh quy định nhiều điều cấm trong việc hành nghề của đội ngũ y bác sĩ nhưng cũng có những trá hình.

Về cấp phép, Bộ Y tế sẽ cấp phép hoạt động cho các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế quản lý và đến nay cấp phép cho các bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, từ 1/1/2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân sẽ bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp phép các đơn vị trực thuộc; còn địa phương sẽ quản lý, cấp phép cho các loại hình còn lại.

“Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương, ngành y tế vào cuộc” – Bộ trưởng nói. Đồng thời dẫn chứng thực tế, trước đây, dọc đường Giải Phóng (TP Hà Nội) có rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhưng thời gian gần đây các địa phương đã quyết liệt rà soát và chấn chỉnh nên tình trạng sai phạm đã giảm nhiều. Đồng thời khẳng định, nếu trong quá trình triển khai phát hiện sai phạm thì sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định.

Để tăng cường quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong được chia sẻ khó khăn vì hiện nay, đội ngũ quản lý hành nghề rất mỏng. “Nhiều địa phương kể cả quản lý dược, cơ sở bán thuốc chỉ có một phòng với số lượng vài người. Đây là khó khăn và mong các địa phương quan tâm, tăng cường lực lượng cho công tác quản lý hành nghề y dược trên địa bàn” - Bộ trưởng bày tỏ./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực