Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm​

Thứ sáu, 28/02/2020 21:48
(ĐCSVN) - Nhiều khu vực vẫn diễn ra tình trạng khô hạn thiếu nước, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và sâu hơn, hạn mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn…Vì vậy, cần lập báo cáo sự thay đổi tần suất xảy ra hạn mặn và đưa ra khuyến cáo với Chính phủ về việc trữ nước tại khu vực này.
 
 Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Mai Đan)

Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành tại cuộc họp báo cáo về hiện trạng tài nguyên nước trên cả nước, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra ngày 28/2, tại Hà Nội.

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn: Nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm; riêng hạ lưu sông Lô và sông Thao thiếu hụt từ 60-90%, đặc biệt thiếu hụt tại một số nơi như: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-60%, một số sông thiếu hụt trên 75% như: trên sông Cả (Nghệ An), tại Yên Thượng, sông Ba (Phú Yên), tại Củng Sơn, trên sông Dinh (Ninh Thuận), tại Tân Mỹ; thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 5-20%.

Tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015-2016. Độ mặn tại hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2015-2016, tại sông Cái Lớn ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2015-2016.

Ông Mai Văn Khiêm cho rằng, hiện nay ở hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đều đảm bảo nước gieo trồng theo kế hoạch, không có thiếu nước do hạn hán và chưa bị thiệt hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống.

Đánh giá về dòng chảy tháng 2 và dự báo tháng 3 mùa khô 2019-2020, ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho rằng: Lượng mưa tháng sụt giảm mạnh so với trung bình nhiều năm. Về dòng chảy tháng 2/2020 tại Chiềng Sẻn, mực nước cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm và tương đương với cùng kỳ năm 2016. Tình hình sụt giảm trên cũng xảy ra tương tự đối với dòng chảy tại Kra-chê và Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 3/2020.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, các nhà khoa học đã đánh giá hạn mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu lập báo cáo sự thay đổi tần suất xảy ra hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đưa ra khuyến cáo với Chính phủ về việc trữ nước tại khu vực này.

Từ tình hình hạn mặn năm 2016, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước thông qua các Sở Tài nguyên và Môi trường nắm bắt khu vực nóng và gay cấn về tình hình nước sinh hoạt của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thảo luận những kết quả nào có thể sử dụng được ngay để đề xuất, xem xét cách làm. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì các đơn vị phối hợp bản tin cảnh báo tài nguyên nước tại Trung Bộ và Tây Nguyên, để có thông tin khuyến cáo cho các tỉnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu vạch ra tỉ lệ an ninh nguồn nước sinh hoạt chỉ tiêu quy hoạch, giúp ích cho việc điều hòa không đều theo thời gian và không gian./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực