Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học và công nghệ dẫn đầu cả nước

Thứ ba, 14/07/2020 17:53
(ĐCSVN) – Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước.

Triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu công nghệ cao

Hà Nội sẽ có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam

Hà Nội: Sẽ điều chỉnh lại quy hoạch, kiên quyết đưa nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô

Chiều 14/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chủ trì cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về kết quả phối hợp công tác giữa hai đơn vị; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực KH&CN của Thành phố (TP) Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo UBND TP, các sở, ngành TP Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Mục đích buổi làm việc nhằm tăng cường phối hợp giữa TP với Bộ, giúp hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của Thủ đô và cả nước. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm lớn về KH&CN, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị cuộc làm việc tập trung, cho ý kiến vào 6 nội dung: Phối hợp trong xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá, đặc thù của Thủ đô; phối hợp phát triển tiềm lực KH&CN, các giải pháp đồng bộ về tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển KH&CN; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN; phát triển thị trường, hệ sinh thái KH&CN Thủ đô...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các đại biểu tập trung bàn giúp TP đề ra những chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia hàng đầu cả trong nước và ngoài nước; xây dựng mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Hà Nội, đưa KH&CN trở thành một trong những đột phá có tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, triển khai nội dung phối hợp, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, ngày càng thể hiện là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KH&CN và đổi mới sáng tạo của cả nước thể hiện qua quy mô tiềm lực KH&CN, cường độ đầu tư và kết quả hoạt động KH&CN.

Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN đã triển khai, mang lại hiệu quả tốt. Các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, hiệu quả để phát triển KH&CN đã được ban hành, cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Cải tiến quy trình, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước; sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ Thành phố.

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về tập trung mạng lưới các tổ chức KH&CN với nhiều loại hình, bao gồm 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu (chiếm 80% cả nước), 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (chiếm 82% cả nước), 105 tổ chức KH&CN công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập. Số Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ và Tiến sỹ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Ngoài ra, Thành phố cũng có hàng nghìn doanh nghiệp KH&CN tiềm năng, trong đó, có 77 doanh nghiệp đã được đăng ký chính thức, đứng hàng đầu cả nước.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đổi mới và nâng cao hiệu lực. Từ năm 2016 đến nay đã triển khai 346 nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố (trong đó 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ, 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn, 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 633.092 triệu đồng, (trong đó kinh phí ngân sách nhà nước là 454.837 triệu đồng, nguồn đối ứng là 178.255 triệu đồng). 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn.

Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sang cơ chế thị trường. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững. Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng…. Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của thành phố Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về KH&CN chưa hoàn thiện; chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ…

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát là phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Mục tiêu cụ thể, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G; Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035, và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045, qua một số mục tiêu cụ thể: Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia gắn với cơ chế thử nghiệm chính sách mới, tiên tiến (Sandbox); Kết nối hệ thống các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hoạt động ở phạm vi quốc gia và quốc tế, khuyến khích hình thành 3-5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân; Thu hút các Quỹ đầu tư mạo hiểm và chuyên gia khởi nghiệp quốc tế; Hỗ trợ phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo là nền tảng phát triểm mạnh hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa thành công sản phẩm trên thị trường…

Tại buổi làm việc, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&CN 8 nội dung liên quan. Trong đó đề nghị Bộ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh chính sách tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN để đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào công việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu; đề nghị Bộ KH&CN quan tâm tạo điều kiện, có hướng dẫn cụ thể hoặc tạo cơ chế mở để các địa phương (đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có căn cứ chủ động xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương; hỗ trợ tư vấn mô hình tổ chức, vận hành Sàn giao dịch công nghệ Thành phố Hà Nội; hỗ trợ Thành phố Hà Nội trong việc liên kết mạng lưới tổ chức chuyển giao công nghệ, các tổ chức trung gian thị trường KH&CN; xây dựng Đề án Vườn ươm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.../.

Tin, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực