Tập trung phát triển sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng

Thứ sáu, 10/06/2016 21:41
(ĐCSVN) – Trong thời gian dài, chè là cây công nghiệp phát triển khá ổn định, là cây trồng “xóa đói giảm nghèo”, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều vùng đồng bào các tỉnh phía Bắc. Để phát triển bền vững sản xuất chè, việc tập trung sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Các đồng chí trong Ban tổ chức, ban cố vấn chương trình tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Điều này được nêu lên tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Các giải pháp sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng”. Diễn đàn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 10/6, tại Thái Nguyên.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo các bộ, ngành, địa phương, cùng bà con nông dân trồng chè của 7 tỉnh trồng chè miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình. Diễn đàn tạo ra một sân chơi bổ ích và thiết thực, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu , đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp cùng bà con nông dân phân tích, trao đổi, đánh giá thẳng thắn về thực trạng ngành chè Việt Nam trong giai đoạn tới theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng.

Sản xuất chè an toàn – hướng đi tất yếu

Báo cáo của Cục Trồng trọt tại Diễn đàn chỉ rõ, kể từ năm 2011 đến nay, sản xuất chè có nhiều phát triển tiến bộ. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến chè phát triển khá đa dạng. Nhiều địa phương đang rất quan tâm hỗ trợ triển khai tới các mô hình này. Ngoài ra, một số tỉnh có quy hoạch vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến tương đối tốt như Lào Cai đã quy hoạch các vùng (huyện) gắn với các nhà máy chế biến cụ thể. Tuy nhiên, việc liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng chè còn chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp, đặc biệt là quy hoạch các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu, vẫn còn hiện tượng tranh mua, tranh bán và ép giá người trồng chè.

Cũng theo Cục Trồng trọt, định hướng diện tích chè cả nước ổn định khoảng 140 nghìn ha, trồng mới và trồng thay thế hàng năm chủ yếu bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao, trong đó cơ cấu giống chè chất lượng khá và chất lượng cao chiếm trên 50 % diện tích, sản xuất chè theo hướng an toàn.

Thực tế, hiện nay các tỉnh sản xuất chè chủ yếu của nước ta đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn nhưng cũng đang trong quá trình triển khai, từng bước đáp ứng theo định hướng đến 2020. Nhiều chính sách liên quan đến sản xuất chè đã được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất chè từ Trung ương đến địa phương Trong đó có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất cây chè đặc sản (Shan tuyết, Kim tuyên, Phúc vân tiên), các nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ lãi xuất tiền vay để đầu tư: Trồng mới, chăm sóc, đầu tư chế biến sản phẩm.

Vẫn còn nhiều thách thức trong sản xuất chè an toàn

TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Việc tổ chức sản xuất chè an toàn chưa gắn giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu.

Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu. Chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp là nguyên nhân chính làm chất lượng chè thành phẩm thấp, giá cả và sức cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới giảm sút.

Nhiều địa phương chưa chú trọng công tác tổ chức nông dân trong sản xuất chè. Hình thức đào tạo cho nông dân chưa đồng bộ, trùng lắp đã hạn chế công tác nâng cao chất lượng và an toàn trong sản xuất chè hiện nay.

Thêm nữa, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng chủng loại và kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly…còn phổ biến ở nhiều vùng chè. Đây là vấn đề rất bức xúc trong sản xuất cần sớm khắc phục để có sản phẩm chè an toàn.

Kỹ thuật đốn bằng máy, hái bằng máy trong canh tác chè có hiệu quả trên đối tượng chè nhân giống vô tính đồng đều, tuy nhiên nguồn lực hỗ trợ người dân mua máy trong cơ giới hoá khâu hái chè để hái dãn lứa chè còn phân tán chưa tạo động lực cơ giới hoá trong sản xuất chè.

Đáng chú ý, tình trạng phát triển các cơ sở chế biến tự phát không theo quy hoạch, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ với công nghệ thấp, không những gây căng thẳng về nguồn nguyên liệu, mà còn dẫn đến không chú trọng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào. Việc kiểm soát chất lượng và về sinh an toàn thực phẩm đối với chè kể cả đầu vào và đầu ra chưa được thường xuyên và chặt chẽ, chất lượng chè thành phẩm chưa ổn định ảnh hưởng đến chất lượng. “Sự xuất hiện tràn lan của các cơ sở chế biến, nhất là nhiều cơ sở cạnh tranh không lành mạnh “mọc lên như nấm sau cơn mưa” đã đẩy người sản xuất chè an toàn vào thế bí” – TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh trong phát biểu tại Diễn đàn.

Đến lúc phải thay đổi tư duy và hành động trong sản xuất chè an toàn

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu (Ảnh: HNV)

Theo TS Phan Huy Thông, đã đến lúc phải thay đổi tư duy và hành động trong sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong tất cả các khâu, từ tổ chức sản xuất, thu mua chế biến và xuất khẩu. Bởi thể, Diễn đàn lần này là dịp thuận lợi để các địa phương có thế mạnh về chè cùng nhau chia sẻ, trao đổi làm ra những búp chè đặc sản, chất lượng cao. Quan trọng hơn cả là xây dựng và quảng bá thương hiệu chè an toàn, mà Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng thương hiệu chè Việt hiện nay.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, cây chè được coi là cây có hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác ở Thái Nguyên. Sản xuất chè của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Hiện, tổng diện tích chè của tỉnh là 21.127ha, đứng thứ hai toàn quốc, sau Lâm Đồng, tổng sản lượng năm 2015 đạt 202.000 tấn chè búp tươi, chiếm 80% thị trường tiêu thụ của cả nước và khoảng 20% thị trường xuất khẩu, chủ yếu sang Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản. Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra giá trị thu nhập và giá trị gia tăng sản phẩm, tập trung vào: tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, đẩy mạnh chế biến chè theo hai hướng (giống chè có thể sản xuất chè đen xuất khẩu, và sản xuất chè xanh gắn kết hợp sản xuất công nghiệp với truyền thống và du lịch sinh thái.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tham quan một số mô hình trồng chè và sản xuất chè an toàn, hiệu quả của Thái Nguyên./.

 

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực