Đây là một thiết chế quốc tế đa phương có sức hút mạnh mẽ với cả các nước phát triển và đang phát triển, thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng số lượng thành viên, từ 8 nước vào năm 2011 đến 75 nước vào năm 2018. Nhiều quốc gia khu vực châu Á đã tham gia như Indonesia, Philippines và Hàn Quốc...
Hội thảo là diễn đàn chia sẻ thảo luận cho các chuyên gia trong nước và quốc tế (Ảnh: HNV)
Thông tin này được nêu lên tại Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở Việt Nam và sáng kiến đối tác Chính phủ mở (OGP)” diễn ra ngày 17/5 tại Hà Nội.
Thực tế, các nước OGP đều sử dụng OGP như một công cụ để tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước và nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Ở Việt Nam, tuy những thông tin về OGP còn hạn chế nhưng hầu hết các giá trị và nguyên tắc cơ bản của chính phủ mở từ lâu đã và đang được Nhà nước triển khai thông qua việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, xây dựng Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng chống tham nhũng, tham gia Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ 2009...
Trước đó, vào tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững bằng việc thông qua “Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) nhằm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững”.
Nhận thấy OGP rất phù hợp, cần thiết và có khả năng hỗ trợ chính phủ và các bên liên quan thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của Việt Nam, nhóm thúc đẩy OGP tại Việt Nam với sự điều phối của Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) đã và đang nỗ lực cùng nhau nghiên cứu về mối liên hệ giữa SDGs và OGP nhằm cung cấp thêm thông tin cho chính phủ và các bên liên quan về những lợi ích của OGP trong quá trình thực hiện SDGs tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) tại Việt Nam do Bộ ngoại giao vương quốc Bỉ và Đại sứ quán Đan mạch đồng tài trợ, TT đã triển khai và hoàn thành dự thảo báo cáo nghiên cứu SDGs-OGP Việt Nam (tháng 1-5/2018).
Hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ, góp ý về các kết quả chính cũng như các khuyến nghị ban đầu nhằm giúp nhóm chuyên gia tiếp tục hoàn thiện báo cáo trong thời gian tới./.