Mới đây, một Khảo sát nằm trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) đã thực hiện nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
|
Vốn rất quan trọng với doanh nghiệp (Ảnh: PV) |
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đa phần đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, với 40,5% doanh nghiệp có dưới 10 nhân sự và 49,1% doanh nghiệp là có từ 10-50 nhân sự. Số doanh nghiệp có quy mô nhân sự trên 100 người chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 4,4% số doanh nghiệp được điều tra.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều ở giai đoạn pre-seed và seed (67,4%) nên đặt ra thách thức lớn về huy động vốn ban đầu và chứng minh năng lực để tiếp cận các nguồn vốn tiếp theo. Vì vậy, có tới 87,5% doanh nghiệp hiện tự bỏ vốn kinh doanh, chỉ có rất ít doanh nghiệp thu hút vốn được từ nhà đầu tư thiên thần, ngân hàng, tài trợ chính phủ, vườn ươm...
|
Mô hình hoá giai đoạn gọi vốn của doanh nghiệp (Nguồn: Khảo sát nằm trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" ) |
Vì vậy, chiếm tỷ lệ cao nhất, 38,5% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về tài chính để giải quyết bài toán vốn, quản trị dòng tiền và thực hiện R&D cho các sản phẩm mới... Bên cạnh đó là nhu cầu hỗ trợ về thị trường (16,7%), cơ chế và chính sách (14,6%), hạ tầng phục vụ R&D (9,4%) và các hỗ trợ khác.
Nhấn mạnh đến vấn đề vốn của cộng đồng doanh nghiệp, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, đồng thời là Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, cho rằng, mặc dù có sự hiện diện của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng lại phân tán, thiếu sự liên kết chặt chẽ.
|
Bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển,Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia (áo xanh) chia sẻ tại Hội thảo "Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" được tổ chức ngày 23/12 vừa mới đây (Ảnh: HNV) |
Do vậy, bà Nga đề xuất xây dựng mạng lưới chuyên gia một cách toàn diện với từng lĩnh vực để tạo phát triển không gian sáng tạo liên kết nhiều nguồn lực. Mạng lưới này dựa trên sự kết nối dữ liệu dân cư và việc triển khai hệ thống định danh cho người nước ngoài.
Cụ thể hơn, dữ liệu mạng lưới này sẽ là một cơ sở dữ liệu chi tiết, bao gồm các thông tin về chuyên môn, kinh nghiệm, lĩnh vực hoạt động, địa chỉ liên hệ... Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận đúng chuyên gia theo nhu cầu, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng kết nối họ với các dự án phát triển cụ thể, góp phần thúc đẩy sự hợp tác và phát triển đồng bộ.
Với câu chuyện về hỗ trợ tài chính, một trong những nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, theo đại diện Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, trong Chiến lược phát triển Việt Nam, hệ thống các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ vốn phát triển, thiết kế nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng đặc thù và triển khai các danh mục đa dạng cho phát triển bền vững.
Song để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cần đồng hành với khu vực doanh nghiệp thông qua việc áp dụng lãi suất ổn định ở vùng thấp và các chương trình tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các ngành ưu tiên...