Chính sách tiền tệ linh hoạt, tỷ giá trung tâm ổn định

Thứ năm, 19/01/2017 15:05
(ĐCSVN) – Năm 2016 được nhìn nhận là năm việc điều hành tiền tệ về cơ bản linh hoạt và chặt chẽ. Hơn nữa, với việc áp dụng cơ cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt, xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu kể từ 1/1/2016, tỷ giá trung tâm cũng khá ổn định.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán tăng 17,9% so với năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 14,9% năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản duy trì ổn định cho thấy sự gia tăng này chưa tạo sức ép lớn lên lạm phát trong nước. Trong khi đó, cả huy động vốn và tín dụng đều tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm. Tính tới 29/12/2016, huy động tín dụng tăng 18,4% so với cuối năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 18,7%, theo đúng định hướng của NHNN đặt ra hồi đầu năm. Chênh lệch khoảng cách giữa tăng trưởng và tín dụng không còn giúp thị trường hoạt động ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm, ngoại trừ những ngày cuối năm sau sự kiện Fed tăng lãi suất.

Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngăn shạn cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD. Theo đó, một số TCTD đã chủ động cắt giảm khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động và 0,5-1 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay trong Quý 4/2016.

Liên quan tới tỷ giá, có thể thấy, cơ chế mới đã giúp tỷ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài. Theo đó, tỷ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm 2016, ở ngưỡng 22.154 VND/USD. Đồng thời, biên độ dao động cũng chỉ dưới ±1,5% trong suốt năm.

Biến động tỷ giá chủ yếu diễn ra trong Quý 4/2016, sau hai sự kiện lớn tại Mỹ. Diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của FED đã khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền lớn khác, dẫn tới xáo động trên thị trường tỷ giá của Việt Nam. Yếu tố tâm lý của người dân cũng góp phần làm tỷ giá tăng. Ngoài ra, tin đồn thiếu cơ sở nhưng lại dễ lan tỏa về khả năng đổi tiền (dựa trên thực tiễn của Ấn Độ gần đây trong việc thu hồi đồng 1000 Rupee) đã làm cho người dân lo ngại và có khuynh hướng mua tích trữ USD và vàng, khiến thị trường phi chính thức có những xáo động bất lợi.


Chính sách tiền tệ linh hoạt (Ảnh: HNV)

Báo cáo của Viện Kinh tế và Chiến lược, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia (VEPR) chỉ rõ, riêng trong Quý 4/2016, tỷ giá tham chiếu và tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng lần lượt 0,98% và 2,10% so với cuối Quý 3. Tuy nhiên, nếu theo dõi thị trường liên ngân hàng thì có thể thấy cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Có thể lý giải điều này là do tỷ giá bên ngoài có tăng, nhưng lượng giao dịch không thực sự lớn để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, khả năng NHNN can thiệp là hoàn toàn có thể, do lượng dự trữ tương đối dồi dào, giúp tạo ổn định thị trường.

Do đó, có thể nói trong giai đoạn cuối năm 2016 cho đến Tết Nguyên đán và đầu năm 2017, NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật. Đồng thời, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ trên khía cạnh tuyên truyền, nhằm giúp dư luận hiểu rõ thực chất tình hình và không gây ra những xáo trộn tâm lý trên diện rộng. Dự trữ ngoại hối tiếp tục được bổ sung trong Quý 4, nâng tổng mức dự trữ ước tính lên tới 41 tỷ USD. Đồng thời, duy trì mức dự trữ đạt trên 2,5 tháng nhập khẩu.

Cũng theo Báo cáo trên, quá trình trung hòa lượng tiền Việt đẩy ra thị trường để mua USD đã được thực hiện uyển chuyển, làm chặt chẽ để không gây dư tiền mặt trong nền kinh tế dẫn tới lạm phát, nhưng cũng không quá chặt để không gây căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng, từ đó góp phần hạ hoặc ít nhất kìm giữ không tăng lãi suất để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, dù có lúc chênh giá mua – bán đồng đô la Mỹ (USD) trong ngân hàng lên tới 100 VND/USD nhưng đó không phải là căng thẳng ngoại tệ.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm, có lên có xuống theo cung – cầu thị trường, vừa theo diễn biến của các đồng ngoại tệ mạnh trên thế giới, nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá để hỗ trợ kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.

Gần cuối năm, diễn biến tỷ giá có biến động nhất định, mặc dù tỷ giá USD/VND đã tăng so với trước, tỷ giá trung tâm tính từ đầu năm đến ngày 08/12/2016 đã tăng khoảng 1%, nhưng căng thẳng ngoại tệ là không có. Trong những ngày tỷ giá biến động vừa qua thì tiền gửi ngoại tệ của cá nhân vào và doanh nghiệp vào ngân hàng không biến động nhiều, vẫn bình thường. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nay, các ngân hàng hoàn toàn chủ động về nguồn vốn và ngoại tệ cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Hiện trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo rất tốt. Vừa rồi, mặc dù tỷ giá biến động nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa phải bán một đồng ngoại tệ nào cho ngân hàng thương mại. Thêm nữa, việc yết giá là của ngân hàng thương mại tùy chỉnh theo tỷ giá trung tâm, có dựa trên sự cân đối ngoại tệ của từng ngân hàng. Một điều quan trọng nữa là chưa có ngân hàng nào niêm yết tỷ giá USD/VND kịch trần biên độ cho phép. Điều này cho thấy trạng thái ngoại tệ của ngân hàng vẫn tốt.

Đánh giá về việc liệu có hay không lượng kiều hối về ít hơn dự báo có ảnh hưởng nhất định tới diễn biến tỷ giá, Phó Giám đốc NHNN tại TP HCM khẳng định, NHNN đã dự báo tổng lượng kiều hối về đến cuối năm 2016 khoảng 9 tỷ USD so với dự báo khoảng 11-12 tỷ USD đầu năm 2017. Kiều hối về TP.HCM năm 2016 khoảng 5 tỷ USD, giảm 10% so với dự kiến 5,5 tỷ USD đầu năm nay, nhưng kiều hối tại TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cung ngoại tệ gồm nhiều nguồn không chỉ kiều hối, trong đó nguồn ngoại tệ từ giải ngân FDI, xuất khẩu, du lịch tăng khiến cung ngoại tệ của thành phố vẫn đảm bảo. Đặc biệt, ngành ngân hàng vẫn đảm bảo cung ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Việc giảm 10% nguồn kiều hối về TP.HCM tuy có ảnh hưởng đến nguồn vốn (kiều hối) đổ vào sản xuất, kinh doanh, nhưng quan trọng nhất là tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiềm soát và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, thị trường ngoại hối trong thời gian gần đây, đặc biệt những tháng cuối năm có đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới.  Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng "nóng" là do USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước) và đón đầu việc FED tăng lãi suất. Thêm vào đó, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên. Tính đến 30/10/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.

Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY); lạm phát có chiều hướng tăng… để có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực