Đầu tư của Việt Nam sang Lào: Hướng tới hiệu quả bền vững

Thứ ba, 20/03/2018 16:37
(ĐCSVN) – Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết năm 2017, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã phủ khắp 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào và hiện Lào là nước có số doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào có lợi thế về nông nghiệp và sản xuất gỗ (Ảnh: AVIL cung cấp)

Có kết quả đầu tư ấn tượng như vậy ngoài chủ trương và chính sách ưu tiên hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam, sự quan tâm chỉ đạo và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, sự hỗ trợ cao của các Bộ, ngành hai nước Lào – Việt Nam, sự tích cực vượt khó của các doanh nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào còn có một phần đóng góp của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL).

Những kết quả ấn tượng trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào

Hiệp hội được thành lập vào ngày 9/9/2011 theo quyết định số 1643/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ với mục đích là tập hợp, tổ chức và tạo điều kiện để các hội viên hợp tác, hiệp lực và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư tại Lào; cung cấp thông tin, nhu cầu, lĩnh vực hợp tác, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Lào để tăng năng lực tài chính, nguồn lực và hiệu quả hoạt động đầu tư; giúp đỡ hội viên khi gặp khó khăn, rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Hiện, AVIL có 61 thành viên nòng cốt là các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, thương mại… , do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) làm Chủ tịch Hiệp hội.

Từ khi thành lập AVIL đã tích cực trong hoạt động thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang Lào cùng với sự đóng góp tích cực của các hội viên. Kết quả hoạt động của AVIL đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước ghi nhận và đánh giá cao qua nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến việc chọn lọc, tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong xúc tiến đầu tư thương mại, tạo thành một khối gắn kết giữa các doanh nghiệp Việt với nhau, giữa các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Lào nhằm tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm và có hiệu quả với các dự án đầu tư tại Lào, giải quyết cơ bản vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Việt trong cùng lĩnh vực đầu tư. Hỗ trợ và thu xếp các chương trình làm việc cho các đoàn doanh nghiệp Việt sang khảo sát đầu tư tại Lào và tích cực vận động và kêu gọi các hội viên tích cực tham gia công tác an sĩnh x hội tại Lào.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, đến hết năm 2017, Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam đã cấp phép đầu tư cho 277 dự án của các doanh nghiệp Việt đầu tư sang Lào với tổng số vốn FDI đạt 5,1 tỷ USD (tăng 1,4 lần về số dự án và tăng gần 35% tổng số vốn FDI) so với năm 2009 (1,6 tỷ USD). Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã phủ khắp 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào và hiện Lào là nước có số doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Giải ngân lũy kế đến thời điểm hiện nay khoảng 2,2 tỷ USD. Về cơ cấu đầu tư: Năng lượng (26%); Dịch vụ hạ tầng (20%); nông – lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp (23%); Khai khoáng (19%); Tài chính – Ngân hàng (gần 3%).

Cùng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 892,9 triệu USD, tăng 113,7% so với năm 2009 (417,8 triệu USD); Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 524,5 triệu USD, tăng 209,8 % so với năm 2009 (169,3 triệu USD), các mặt hàng xuất khẩu tăng là: bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, xăng dầu, phân bón, sản phẩm từ chất dẻo, máy móc thiết bị...; nhập khẩu từ Lào về Việt Nam đạt 368,4 triệu USD, tăng 48,2% so với năm 2009 (248,5 triệu USD), các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, quặng và khoáng sản...

Về du lịch, năm 2017, lượt khách Lào sang Việt Nam đạt 141.588 lượt tăng 22,1% so với năm 2009 (115.930 lượt).

Riêng về công tác an sinh xã hội, tổng trị giá hoạt động trong lĩnh vực này các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện tại Lào đến nay đạt xấp xỉ 70 triệu USD tập trung chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa...(HAGL khoảng 40 triệu; BIDV là 12,5 triệu USD; Công ty CP sân Golf Long Thành cam kết trên 6 triệu USD; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cam kết 6 triệu USD).

Để hoạt động đầu tư Việt Nam tại Lào tương xứng với quan hệ hai bên trong thời gian tới

Cần tăng cường giao thương giữa hai bên Việt - Lào theo hướng hiệu quả bền vững (Ảnh: AVIL cung cấp)

Xuất phát từ thực tiễn theo dõi và quản lý theo chức trách, nhiệm vụ của mình, AVIL cho rằng, ngoài việc đề nghị Chính phủ hai nước chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt, kịp thời các Hiệp định đã được 2 nước ký kết trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, cần phải đổi mới phương thức thống kê và trao đổi thông tin giữa các bộ ngành. Duy trì và nâng cao công tác kiểm tra giám sát các dự án để có giải pháp hỗ trợ kịp thời các dự án gặp khó khăn, xử lý dứt điểm các dự án chủ đầu tư không có năng lực thực hiện; Trao đổi và thống nhất trước khi Chính phủ Lào quyết định thu hồi các dự án của Việt Nam, đề nghị giao lại cho doanh nghiệp 2 nước có năng lực để thực hiện, không giao cho nhà đầu tư nước thứ 3 và Chính phủ Lào có phương án hoàn trả vốn thỏa đáng cho chủ đầu tư.

Thêm vào đó, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu, tạo cơ chế để kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam và Lào đầu tư xây dựng kho ngoại quan, chợ trung chuyển… Đáng chú ý, cần tiến hành mạnh mẽ cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động môi trường kinh doanh, đầu tư như đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư; đẩy nhanh việc kí Văn bản thỏa thuận (MOU) về kiểm dịch y tế tại cửa khẩu giữa hai bên.

Đặc biệt, Chính phủ Lào có quy hoạch, định hướng phát triển đầu tư, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hướng, có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ưu tiên giao các dự án dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp Việt và Lào; Cho phép doanh nghiệp Việt được dùng tài sản đầu tư trên đất và quyền sử dụng đất tại Lào được thế chấp vay vốn các TCTD nước ngoài; Xem xét tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong lao động Việt Nam tại Lào như việc hạn chế lao động nước ngoài, trong khi lao động tại thị trường Lào chưa đáp ứng, chi phí thủ tục visa, thẻ lao động cao, thủ tục XNK, thủ tục đăng ký tạm trú cho lao động nước ngoài…còn phức tạp (phí visa, thẻ LĐ, cư trú..., thuế thu nhập tính bình quân lao động nước ngoài phải trả từ 18% đến 20% thu nhập, tỷ lệ nộp chính phủ Lào là cao so với khu vực).

Về thương mại, AVIL cũng đề nghị cần có giải pháp mạnh, cụ thể tạo điều kiện cho thương mại phát triển như: Tìm kiếm mặt hàng XNK lâu dài (điện, nông sản, cây ăn quả…) thay thế sản phẩm gỗ tròn; Tổ chức hội chợ, giới thiệu hàng hóa hai nước; Giảm thiểu các quy định, dừng, kiểm về hàng hóa trên phương tiện. Thống nhất thủ tục hải quan tại cửa khẩu (mẫu khai hải quan).

Song song, cũng theo AVIL, chính phủ hai bên cần đẩy mạnh kết nối trong một số lĩnh vực trọng điểm, cụ thể:

Với kết nối năng lượng, cần có quy hoạch phát triển dự án thủy điện; Có cơ chế và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư (vốn, cơ chế...) để sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện. Hai bên phải thống nhất về quy hoạch và xây dựng mạng lưới tải và phân phối điện, VN cần xác định mua điện lâu dài của Lào. Hai nước cùng phối hợp chặt chẽ với  các nước trong Tiểu vùng Mê Công trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Với kết nối giao thông, đẩy nhanh kết nối các tuyến đường giao thông chính hai nước như: tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng chăn, hành lang kinh tế Đông Tây và đặc biệt là mạng lưới giao thông nối cửa khẩu hai nước. Hai bên cần rà soát, rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi cơ chế "một cửa, một lần dừng" tại các cặp cửa khẩu quốc tế (Lao Bảo, Chalo, Pờ Y...) ngay trong năm 2018.

Về kết nối nông nghiệp, phát huy lợi thế của Việt Nam thành công trong việc chuyển đổi các mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao, xuất siêu trong sản phẩm nông nghiệp và các lợi thế của Lào như có quỹ đất rộng lớn, điều kiện thiên nhiên ưu đãi đặc biệt như: nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, không bị bão tố lốc xoáy, phần lớn quỹ đất nông nghiệp còn nguyên sinh, chưa được canh tác. Thổ nhưỡng thủy văn tương thích và phù hợp cho phát triển nông nghiệp công nghiệ cao. Thêm nữa, Lào có 2.340 km đường biên giới chung với Việt Nam, là điều kiện thúc đẩy giao thương giữa 2 quốc gia, đặc biệt gần đây hai nước đã  khai thác cảng biển Vũng Áng - thuận lợi trong XNK hàng hóa nhất là XK các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, để đẩy mạnh đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, phải tậo trung xây dựng một chiến lược kết nối, trong đó, phía Lào có thể xem xét, quy hoạch lại quỹ đất, xác định khu vực phát triển nông nghiệp dài hạn, ưu tiên giao phía Việt Nam nghiên cứu dự án trồng cây ăn quả; Xây dựng khung giá đất đền bù đất đai để áp dụng đồng bộ tránh việc doanh nghiệp đẩy giá đền bù vô lối dẫn đến khiếu kiện và tranh giành đất đầu tư; Nghiên cứu có cơ chế ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: giảm 30% tiền tô nhượng đất, giảm 50% tiền thuế sử dụng đất hàng năm, hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện, nước vào dự án; Nếu chủ đầu tư ứng vốn thực hiện sẽ được khấu trừ vào tiền tô nhượng đất, thuế đất, lợi nhuận. Nhất là, hiện nay, giấy phép kinh doanh nông – lâm – nghiệp cấp một năm một lần phía Lào xem xét đối với dự án ổn định, khai thác kinh doanh tốt được cấp giấy phép kinh doanh thời hạn 5 năm./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực