Du học sinh Việt Nam ở Đức (Ảnh: duhocduc.edu.vn)
Năm nay, các lãnh đạo giáo dục đến từ 85 quốc gia trên thế giới sẽ cùng tham gia và bàn luận về tương lai của giáo dục sau phổ thông và đại học với các phiên họp tiêu điểm xoay quanh chủ đề chính Ngoại giao tri thức và thế giới số: vai trò của giáo dục đại học quốc tế là gì?
Giáo dục đại học quốc tế luôn được biết đến với vai trò là nơi kiến tạo tri thức toàn cầu, nơi đào tạo kỹ năng cấp độ cao và là điểm tựa mạnh mẽ của xã hội địa phương và toàn cầu. Tuy nhiên, trong một tương lại số hoàn toàn khác, giáo dục đại học quốc tế phù hợp đến mức độ nào và có thể đóng góp gì cho xã hội đã là tâm điểm thảo luận của hội nghị giáo dục toàn cầu năm nay. Cụ thể, hội nghị tập trung thảo luận bốn vai trò chính của giáo dục đại học quốc tế, thông qua lăng kính chính sách hoặc thực hành bao gồm: nơi sản sinh tri thức toàn cầu; nơi phát triển kỹ năng cấp độ cao; điểm tựa của xã hội toàn cầu và là nơi cung cấp giải pháp; vai trò lãnh đạo và đối tác trong thế giới tương lai.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị Going Global năm nay có PGS TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ Địa chất, TS Hà Thúc Viên - Phó hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức, Bà Hoàng Vân Anh – Giám đốc các chương trình Giáo dục và Xã hội của Hội đồng Anh Việt Nam cùng các nhà quản lý giáo dục khác. Các đại biểu đã tích cực trao đổi, đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm với đại diện đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị năm nay là việc công bố kết quả của báo cáo về cơ hội, mô hình và các cách tiếp cận để tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp thông qua hợp tác giáo dục giữa Vương quốc Anh và các nước Đông Á được thực hiện bởi Hội đồng Anh tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo này khẳng định, giáo dục đại học quốc tế tại Việt Nam vẫn đang duy trì tốt các hợp tác với Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục và phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam - qua đó tạo nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Việt Nam cho thấy là một quốc gia rất kiên định với mong muốn phát triển một chính sách đổi mới trong tương lai, tuy nhiên vẫn còn những mặt cần phải có sự phối hợp thực hiện.
Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục thúc đẩy phát triển các chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại Giao, và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong và ngoài nước để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược nhằm tiếp cận, tận dụng những kết quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, những thách thức mang tính hệ thống mà Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là những thách thức dễ dàng giải quyết được chỉ với công nghệ. Tập trung cải thiện về chất lượng giảng dạy cũng như việc gia tăng tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ cần được giải quyết thông qua các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế cùng với sự hỗ trợ của mạng lưới đối tác trường đại học và doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp chủ đề “Tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: những mô hình hợp tác mới và linh hoạt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0”, PGS TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chia sẻ quan điểm về mức độ phù hợp và khả năng tồn tại của những mô hình hợp tác hiện tại với bối cảnh phát triển của Giáo dục Đại học tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bà cũng nêu lên tầm nhìn về các mô hình giúp tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong tương lai cũng như khả năng đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu, kỹ năng mới của thị trường lao động trong thời đại CMCN 4.0.
Going Global 2019 mang lại cơ hội đặc biệt nhằm chia sẻ tri thức và kết nối các chương trình của địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, mang lại một mạng lưới toàn cầu cho các nhà lập sách và thực thi chính sách trong lĩnh vực giáo dục quốc tế; hỗ trợ quá trình đưa ra chính sách với những bằng chứng cụ thể từ kết quả của các nghiên cứu và các chương trình đàm thoại chính sách trong các khu vực và hỗ trợ tính lãnh đạo tiên phong trên toàn cầu.
Trong phiên thảo luận nhằm tìm hiểu những mô hình mới cho quốc tế hóa giáo dục đại học tại các nước ASEAN, chia sẻ về các chiến lược quốc tế hóa trong tương lai gần của Việt Nam, những nỗ lực nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung với Vương quốc Anh thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, PGS TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định quốc tế hóa giáo dục đại học là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chính phủ Việt Nam cam kết đầu tư nhân lực và nguồn lưc vào nâng cao chất lượng đại học Việt Nam. Going Global chính là dịp để các đại biểu Việt Nam tìm hiểu thêm về những khía cạnh quốc tế hóa phù hợp mà Việt Nam có thể học hỏi từ Vương Quốc Anh và các quốc gia trong khu vực.