Vĩnh Phúc: phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Thứ năm, 21/11/2019 12:04
(ĐCSVN) – Trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới, đưa nông nghiệp phát triển bền vững.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N) 

Các cơ chế, chính sách của tỉnh đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm hữu cơ, rau an toàn, thời gian qua, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn nông dân nuôi trồng những loại cây, con giống ngắn ngày, đem lại giá trị kinh tế cao và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP cho 33 cơ sở chăn nuôi lợn, 3 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 9 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và 4 cơ sở sản xuất, sơ chế rau, củ... Cách làm này đã giúp người nông dân có được những hợp đồng thu mua dài hạn của các doanh nghiệp, đơn vị chế biến thực phẩm, cung ứng thực phẩm an toàn. Không những thế, họ còn được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác mới, chủ động nắm bắt nhu cầu và biến động của thị trường để điều chỉnh sản xuất, giảm dần nỗi lo “được mùa mất giá” như phương thức canh tác truyền thống trước kia vẫn sử dụng.

Nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn, riêng năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chi hơn 11 tỉ đồng vốn ngân sách cho nông dân vay vốn mua các loại máy nông nghiệp như: Máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy vắt sữa bò, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa tại các địa phương, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê, gom ruộng đất sản xuất với quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác mà trong quá trình sản xuất, các hộ nông dân còn được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, có cơ hội được nâng cao kiến thức, tay nghề; thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hoá, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai trong 2 năm gần đây. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân vốn hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư vào sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP và đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hiệu quả bước đầu các dự án mang lại không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu mà còn góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, từng bước thúc đẩy sản xuất hàng hóa và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Cũng nhờ đó, mặc dù diện tích đất canh tác giảm đi đáng kể, song kết thúc năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Đáng mừng là tại Vĩnh Phúc ngày càng có thêm nhiều những hộ sản xuất nông nghiệp trở nên giàu có nhờ đầu tư quy mô lớn và mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực