Cần nghiên cứu thí điểm khi chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng

Thứ sáu, 03/03/2017 20:43
(ĐCSVN) - Ngày 3/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Hội nghề cá Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Theo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT), từ năm 2010, các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có xu hướng chuyển đổi một phần diện tích từ nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân do giá bán tôm thẻ chân trắng cao, nhu cầu thị trường lớn và chu kỳ nuôi ngắn và khả năng xoay vốn sản xuất nhanh hơn. Đến năm 2016, diện tích nuôi tôm mặn – lợ cả vùng đạt khoảng 638.000ha và sản lượng là 566.000 tấn. Trong đó, tôm sú với diện tích 566.000ha, sản lượng đạt 249.000 tấn và tôm thẻ chân trắng với diện tích 71.420 ha, sản lượng đạt 293.000 tấn.

Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đã được người dân đưa vào nuôi trong mô hình quảng canh cải tiến chuyên tôm vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đánh giá nào về thực trạng canh tác của mô hình này. Hơn nữa, ngành tôm chân trắng có dư địa lớn và có khả năng tăng sản lượng và giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Tại Hội thảo, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tại 169 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng mô hình quảng canh cải tiến thuộc ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cho thấy: chỉ có khoảng 38% số hộ có tiến hành ương tôm nuôi; còn rất ít hộ điều tra cung cấp thức ăn cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng (chỉ khoảng 7% số hộ điều tra thực hiện). Đồng thời, nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến chuyên tôm vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên.

Bên cạnh đó, hiện nay, người nông dân còn rất nhiều hạn chế trong quản lý dịch bệnh và kỹ thuật canh tác (chuẩn bị ao, con giống, quản lý nước) và việc gia tăng mật độ thả và không cho ăn sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và hiệu quả sản xuất của mô hình. Ngoài ra, tỷ lệ sống đến lúc thu hoạch của tôm thẻ chân trắng cũng thấp (33%), năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 295 kg/ha/năm. Tổng chi phí cho một năm nuôi tôm thẻ chân trắng cap hơn so với tôm sú, tuy nhiên, tổng doanh thu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lại không cao hơn so với nuôi tôm sú, và lợi nhuận từ nuôi tôm thẻ chân trắng cũng thấp hơn so với nuôi tôm sú.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến chuyên tôm cần được cân nhắc về các vấn đề: nhu cầu con giống chất lượng sẽ rất lớn, trong khi nguồn giống bố mẹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu và chất lượng con giống vẫn chưa được đảm bảo; hạn chế trong kỹ thuật canh tác và quản lý của người dân sẽ gia tăng nguy cơ dịch bệnh và suy thoái môi trường và đa dạng sinh học.

Năng suất bình quân nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn khá thấp với mô hình bán thâm canh, thâm canh trong khi mức đầu tư cao hơn nuôi tôm sú và lợi nhuận lại thấp hơn nuôi tôm sú. Vì vậy, cần cân nhắc giữa việc chuyển đổi sang nuôi tôm chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến chuyên tôm. Đồng thời, tôm sú nuôi trong mô hình quảng canh cải tiến thường thu hoạch với cỡ lớn và do vậy có giá bán cao, trong khi tôm thẻ chân trắng có cỡ khá tương đương với nuôi tôm trong mô hình thâm canh, bán thâm canh, vì vậy, bị cạnh tranh về giá bán trong thời gian thu hoạch đồng loạt.

Theo Cục Thú y, cần tổ chức cho nuôi thí điểm, khảo nghiệm và đánh giá tác động với nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến ở phạm vi hẹp ở một số địa phưng có khả năng quản lý tốt, người tham gia nuôi thí điểm hợp tác tốt. Tổ chức điều tra diện rộng cũng như đánh giá một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến tại một số địa phương, cùng với kết quả nuôi thí điểm khảo nghiệm để có cơ sở đề xuất các biện pháp cho các năm tiếp theo./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực