Đây là khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và góc nhìn” tại Hội thảo về báo cáo này diễn ra sáng 12/7, tại Hà Nội.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc. (Ảnh: HNV)
Báo cáo nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quỹ II và 6 tháng đầu năm 2019; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô cả năm 2019; phân tích một số vấn đề kinh tế nổi bật hiện nay từ đó đưa ra một số định hướng đổi mới kinh tế và giải pháp chính sách quản lý điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2019.
Cũng theo Báo cáo, diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố về rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại chưa hạ nhiệt, hàng xuất khẩu Việt Nam có thể vấp phải nhiều vụ kiện thương mại, điều tra chống bán phá giá..., sự đối đầu công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày càng phức tạp hơn...
CIEM cũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%; thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD; lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.
Chia sẻ kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM, cho hay, GDP đạt 6,71% trong quý II, giảm so với quý I (6,82%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2011-2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8-7%). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn ở xu hướng giảm, điều này phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố - đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ bên ngoài.
Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ở mức 2,19% trong quý II và 2,39% trong 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017-2018, chủ yếu do suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến cầu nông sản; không ít thị trường nhập khẩu tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu nông sản. Trong khu vực công nghiệp – xây dựng, ghi nhận bước tăng trưởng dương trở lại của phân ngành khai khoáng ở mức 1,78% - lần đầu tiên sau ba năm liên tục giảm.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có phần rõ nét hơn. Các doanh nghiệp công nghiệp, chế biến, chế tạo đánh giá lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II.
Báo cáo cũng đưa ra con số tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 63,86 tỷ USD, tăng 9,3% trong quý II và đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% trong 6 tháng đầu năm 2019. Mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2017 – 2018, chủ yếu do suy giảm thương mại toàn cầu; tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI trong khi vực này tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn; và xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu.
Hội thảo diễn ra với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform. (Ảnh: HNV)
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa khởi sắc như kỳ vọng. Việc này có nguyên nhân từ bối cảnh thương mại toàn cầu và khu vực. Cạnh đó, khả năng tận dụng cơ hội của Việt Nam cũng chưa cao. Đáng chú ý, xuất khẩu vào Australia trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm 15,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân có thể là do hàng hóa Việt chưa đáp ứng tiêu chuẩn từ thị trường Australia, trong khi một số nội dung thực hiện CPTPP còn chậm.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh, nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác điều hành chính sách cải cách kinh tế của đất nước cũng có không ít điểm sáng, qua đó đóng góp vào những kết quả ít nhiều tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới được đề cập nhiều hơn, dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm 2019; căng thẳng thương mại ở khu vực vẫn chưa hạ nhiệt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…. không chỉ ở thị trường Mỹ….
Do đó, ông Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Theo đó, cần xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với bất định từ bên ngoài; quản lý dòng vốn nước ngoài; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt. Song song đó, ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành Luật (Luật Cạnh tranh sửa đổi, Luật sửa đổi các điều Luật để thi hành CPTPP, Luật Đầu tư công (sửa đổi), tránh nợ đọng. Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tăng công khai, minh bạch, cắt giảm các thủ tục rườm rà, phức tạp…/.