Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tọa đàm trực tuyến: "Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi Luật Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)" đã được tổ chức tại Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, nhằm cung cấp cho bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp.
|
Các diễn giả tham gia Tọa đàm (Ảnh: PV) |
Tham gia Tọa đàm "Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp-nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi EUDR" có các khách mời: ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT; ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng KHCN và HTQT, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT); ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT); ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) kết nối qua zoom từ Baku (Azerbaijan) – bên lề Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29).
Thực tế, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,86 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ 42,02% và là lĩnh vực duy nhất phát thải ròng âm…
Hiện nay, các nước trên thế giới cũng rất coi trọng sản xuất xanh và lập những hàng rào cho những loại hàng hóa, nông sản không rõ ràng về nguồn gốc. Ví dụ, Luật Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) dù đã hoãn thực thi thêm một năm nhưng khi có hiệu lực cũng sẽ có tác động đối với một số sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… nếu không chứng minh được không có xuất xứ từ vùng trồng có rừng bị tàn phá hoặc làm suy thoái rừng. Điều này cho thấy, quản lý, phát triển rừng, hướng đến sản xuất nông nghiệp, bền vững, có trách nhiệm là đòi hỏi của toàn cầu.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, Bộ TNMT cho biết, đối với đặc thù của Việt Nam, chúng ta đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực là số 1, đất đai là sở hữu toàn dân, đây là điều kiện giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bao trùm, tuy nhiên đó cũng sẽ là thách thức trong việc thực hiện thị trường tín chỉ carbon. Cái khó nữa là đến nay chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý thực hiện NDC, chưa có khung chính sách rõ ràng minh bạch để những người chuyển đổi năng lượng, công nghệ, chuyển sang canh tác carbon thấp có thể tận dụng được cơ hội của thị trường tài chính khí hậu. Chuyên gia này kiến nghị các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ TNMT cần thực hiện xây dựng chính sách rõ ràng minh bạch về vấn đề này nhằm đảm bảo công bằng giữa người dân và doanh nghiệp; giữa miền ngược với miền xuôi, hiện nay và mai sau.
Đồng quan điểm này, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT nhận định: Bộ TNMT đã chủ trì và trình Chính phủ lộ trình để thực hiện mục tiêu đến 2028 sẽ vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc. Theo quan điểm cá nhân, ông Hà Công Tuấn cho rằng cần chú ý tới 5 vấn đề gồm: Thứ nhất, nâng cao và thống nhất nhận thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiến tới vận hành cơ chế tín chỉ carbon trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng những người sống cạnh rừng.
Thứ hai, phải có vai trò vận hành của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách. Trong đó có việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ quốc gia đồng thời có cơ chế chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, sự quan tâm của xã hội trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, cơ chế thúc đẩy của chúng ta chưa được đề cập nhiều, chúng ta đang có tiềm năng nhưng biến được thành tín chỉ carbon thì còn hành trình dài.
Thứ ba, ngay từ bây giờ phải nghĩ tới cơ chế tư vấn và giám sát độc lập, nếu dựa vào Nhà nước là không thành công. Tư vấn đo đếm, giám sát phát thải tới từng doanh nghiệp phải độc lập, phải phi Nhà nước. Đồng thời phải ứng dụng công nghệ và xem công nghệ như một tiêu chí tạo niềm tin của chúng ta với quốc tế.
Thứ tư, cần có tổ chức điều phối quốc gia làm đầu mối, kết nối với hệ thống các doanh nghiệp có phát thải hoặc hấp thụ nhiều, tạo thành Working Group để xây dựng nguồn lực, tổ chức dữ liệu, giám sát và tuyên truyền thực hiện.
Thứ năm, thị trường quốc tế rất quan trọng. Việt Nam không thể làm một mình, phải coi trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để vận hành và áp dụng sao cho phù hợp.
Theo ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng KHCN và HTQT, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, đến nay, Luật Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) vẫn là quy định mới, trước kia tập trung về mảng hợp pháp nhưng nay tích hợp thêm quy định về không gây mất rừng. Thực ra yêu cầu này đối với các doanh nghiệp không phải mới mẻ, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vì họ đã quen với việc tuân thủ các quy định về nguồn gốc, sản xuất có chứng chỉ. "Tôi thấy rằng các doanh nghiệp cần thể hiện rõ vai trò tuân thủ EUDR, cũng như có chia sẻ, hướng dẫn với những người nông dân trực tiếp sản xuất, đơn vị cung cấp nguyên liệu để họ hiểu và thực hiện. Chúng tôi cũng mong rằng các Hiệp hội cần phối hợp với cơ quan chức năng, mạng lưới và cập nhật bản tin của ngành lâm nghiệp. Bản tin này được cập nhật 2 lần/tuần về các quy định EUDR, từ đó nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai giao dịch khung, nắm bắt và thực hiện các yêu cầu về việc giải trình, tuân thủ quy định”- ông Minh nói.
Liên quan đến EUDR, quy định này thể hiện xu hướng ngày càng ưu tiên sản xuất xanh của các thị trường quốc tế. Dù EU đã gia hạn thêm một năm trước khi chính thức áp dụng, việc các doanh nghiệp sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết là yêu cầu cấp bách. Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhận định: Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập sâu rộng. Trong sản xuất hàng hóa, nhiều diện tích đất đã được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang khu vực sản xuất. Quy định chống phá rừng của EU đặt ra ba yêu cầu lớn nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng hoặc suy thoái rừng.
|
Ngày càng nhiều người dân ý thức và tham gia trồng rừng bền vững (Ảnh: HNV) |
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024, Việt Nam nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB. Số tiền này đã được phân bổ về các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 7.000 chủ rừng. Hiện tại, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định. Liên quan đến các thỏa thuận tín chỉ carbon mới, tại COP 21, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành triển khai thực hiện. Trong thỏa thuận mới, 100% tín chỉ sẽ đóng góp vào mục tiêu NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định). Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon.
Thực tế cũng ghi nhận có sự lúng túng trong quá trình chi trả số tiền từ thỏa thuận tín chỉ carbon với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam, với nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế chính sách hoàn chỉnh. Vì là lĩnh vực mới, phức tạp và chưa có tiền lệ, những phát sinh trong quá trình triển khai là điều khó tránh khỏi. Từ khi tiếp nhận khoản thu, Cục Lâm nghiệp đã liên tục cập nhật thông tin và ghi nhận các khó khăn từ địa phương. Đặc thù của ngành lâm nghiệp là các hoạt động như cải tạo, trồng, chăm sóc và khoanh nuôi rừng đòi hỏi thời gian dài, kéo dài đến năm 2025.
Chuyển tín chỉ carbon cho FCPF (Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp) thông qua WB với mục tiêu ban đầu là 1 triệu tấn, có thể tăng thêm nếu có sự quan tâm từ các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, có thể giao Bộ Tài chính chủ trì tổ chức đấu giá tín chỉ carbon. Dù thành công hay không, việc này sẽ mang lại kinh nghiệm quý báu cho các hoạt động bán tín chỉ carbon trong tương lai. Đến cuối năm 2024, Bộ NN&PTNT dự kiến tổ chức tổng kết sâu rộng về IPA (Hiệp định Đối tác Tín chỉ Carbon) trên cả thực tiễn, lý luận và cơ sở quốc tế, nhằm chuẩn bị cho các bước tiếp theo. Nghị định 107, ban hành tháng 12/2023, về cơ chế ủy quyền quản lý tài chính trong lĩnh vực này, cũng sẽ được đánh giá để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Trong dài hạn, các quy định cần được rà soát và đồng bộ hóa, đảm bảo lợi ích thực sự thuộc về người dân và chủ rừng. Vai trò của Nhà nước sẽ chỉ dừng ở cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng KHCN và HTQT, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận định: Sau 30 năm, kết quả bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ rệt ở chỉ tiêu che phủ rừng. Theo đó, những năm 1990 của thế kỉ trước, tỷ lệ che phủ rừng mới đạt 27% thì hiện nay đã đạt 42,02%. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung thế giới 37%, và đứng trong top đầu khu vực Đông Nam Á. Trong tổng số 14,86 triệu ha rừng, thì có tới hơn 10 triệu ha là rừng tự nhiên, còn rừng trồng chiếm khoảng 4,5 triệu ha.
Với nỗ lực bảo vệ phát triển rừng thời gian qua, trong 10 năm, lĩnh vực lâm nghiệp đã tăng được 500.000ha rừng. Cùng với phát triển lâm nghiệp bền vững thì ngành hoàn toàn có tiềm năng phát triển lĩnh vực tín chỉ carbon, tăng thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đảm bảo mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng như đóng góp cho việc cam kết NET ZERO vào năm 2050.
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam./.