Cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành: Không để lợi ích nhóm chi phối

Thứ hai, 13/05/2019 15:55
(ĐCSVN) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành, nếu cắt giảm máy móc sẽ dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Khi có việc, các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. Đây là vấn đề có tính hai mặt, phải suy xét thấu đáo.

Áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan

Hải quan: Cải thiện tích cực về mức độ hài lòng của doanh nghiệp

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đánh giá những kết quả thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành thời gian qua.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương; Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng đóng góp lớn vào GDP của cả nước, chính vì vậy, nếu chức năng giám sát được nâng cao hơn nữa, tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp thì kinh tế-xã hội sẽ ngày càng phát triển bền vững.

Thời gian qua, Mặt trận các cấp đã triển khai 12 chương trình giám sát, trong đó có 2 chương trình giám sát liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giám sát những chuyên đề, lĩnh vực theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. “Mặt trận và các tổ chức thành viên được giao giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, giám sát này là của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. Đồng thời thông tin, qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ban ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ đó là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Thông tin về kết quả giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua 3 đợt giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, hiện tại, cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước. Theo đó, với việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, năm 2018 có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Tính luỹ kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.

Tại Hội nghị, đại diện Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ, làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong công tác kiểm tra chuyên ngành gắn với quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, mạnh dạn đề xuất các giải pháp lên Chính phủ, và các bộ ngành sao cho hiệu quả, thiết thực nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh:TH)

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, việc kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song vẫn đang là cản trở tương đối lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Từ kết quả khảo sát 3.100 doanh nghiệp do VCCI thực hiện cho thấy, doanh nghiệp đánh giá các thủ tục kiểm tra chuyên ngành là dễ, rất dễ chỉ ở mức khá thấp, chỉ xung quanh mức 15-27% ở tất cả các thủ tục. Để góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đại diện VCCI đề xuất ban hành quy định bắt buộc mọi thủ tục kiểm tra chuyên ngành đều phải được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, không nên chờ đợi sự tự nguyện của các cơ quan nhà nước như vừa qua.

Đề cập đến các giải pháp triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin qua việc xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. Tổng cục Hải quan sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan hoàn thiện việc sửa đổi các văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh đến yếu tố Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát cải cách, sửa đổi bổ sung các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng có các giải pháp tăng cường việc kết nối công nghệ, xây dựng một đề án tổng thể cải cách về công nghệ thông tin để khắc phục lỗi trong vận hành của cổng thông tin một cửa quốc gia…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức liên quan, hoạt động giám sát đã góp phần giúp Chính phủ, các bộ, ngành cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tốt hơn. Hiện nay, Việt Nam một trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASESN. Khi trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy việc triển khai cơ chế này thành nhiệm vụ trung tâm trong kết nối, phát triển giao thương trong khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều. Hoạt động chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất nhập khẩu có sự chồng chéo kiểm tra của nhiều đơn vị của 1 bộ, thậm chí của nhiều bộ khác nhau. Bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới), tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc xã hội hoá công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các bộ còn lúng túng. Bên cạnh đó, Cổng kết nối 1 cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó vẫn còn nhiều cán bộ có thái độ sách nhiễu, làm phiền doanh nghiệp và phát sinh những vấn đề khác như “chi phí không chính thức”…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành. Theo Phó Thủ tướng, nếu cắt giảm máy móc sẽ dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Khi có việc, các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. Đây là vấn đề có tính hai mặt, phải suy xét thấu đáo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không chỉ giám sát việc thực thi của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức mà mở rộng cả ra cả khối doanh nghiệp là các đơn vị thực thi. Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu nhưng vẫn kiểm tra chuyên ngành, khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư thiết bị trong kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, không để tình trạng “bộ vừa ban hành tiêu chuẩn, vừa kiểm tra”./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực