Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững

Thứ hai, 25/09/2017 17:48
(ĐCSVN) – Với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 đã khai mạc tại Đà Nẵng, sáng 25/9. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì Diễn đàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương, tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ và 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp 9 tỉnh thành duyên hải miền Trung.

Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 sẽ tập trung  bàn thảo 3 vấn đề chính: giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân- Động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững”.

Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh ngày càng gay gắt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động ngày càng sâu rộng đến tất cả các quốc gia; mang đến cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra những vấn đề mới, phức tạp hơn đối với cả nước nói chung và miền Trung nói riêng trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta; trong đó vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố (TP Đà Nẵng và 8 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), là “mặt tiền biển” của đất nước, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước.

Trong những năm qua, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, thường xuyên chịu thiên tai hạn hán, lũ lụt, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong vùng và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội miền Trung đã có những chuyển biến mạnh mẽ; trong đó tốc độ tăng trưởng của Vùng duyên hải bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%.

Theo ông Vũ Đình Hòe, Phó Tổng biên tập Thường trực Thời báo Kinh tế Việt Nam mục tiêu của Diễn đàn lần này là nhằm tạo ra một xung lực mới trong nhận thức cũng như hành động của các bộ, ngành, các địa phương vùng duyên hải miền Trung, các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức để các tỉnh vùng duyên hải miền Trung thật sự liên kết, đồng lòng, chung mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phó thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung cũng như Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn này.

Theo Phó thủ tướng, Văn kiện Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp. 

Quang cảnh tại Diễn đàn

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Phó Thủ tướng lưu ý, Diễn đàn cần quan tâm làm rõ cơ chế chính sách liên kết đến nay còn thiếu cái gì? Động lực của vấn đề liên kết là cái gì? Nếu như tiềm năng lợi thế so sánh được phát huy thì phân bổ nguồn lực và tính toán lợi ích địa phương trong điều phối vùng như thế nào, vùng và cả nước đối xử với từng tỉnh thế nào, theo Phó Thủ tướng nếu cơ chế phân bổ vốn vẫn như hiện tại thì bí thư, chủ tịch chẳng có cách nào khác phải lo thu hút đầu tư. Vậy cơ chế phân bổ nguồn lực phân chia lợi ích thế nào? - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Bộ Chính trị đã yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế dự toán ngân sách theo hướng nhìn tổng thể. Hiện nay vẫn phân bổ theo từng tỉnh nên có ý kiến cho rằng chúng ta có 63 nền kinh tế. Đó là điểm then chốt về tư duy và nhận thức, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Trung ương đã nhấn mạnh phải có thể chế kinh tế vùng phù hợp, vùng động lực phải có thể chế tương ứng và vượt trội còn vùng khó khăn thì có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển. Bên cạnh đó là xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết và tạo ra cực tăng trưởng có sức lan toả cả nước. Hiện đang trình dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có bắc Vân Phong (Khánh Hoà).

Nhấn mạnh thể chế điều phối kinh tế vùng là hết sức quan trọng, Phó thủ tướng cho rằng muốn liên kết phải tính toán kỹ. Các tỉnh và Ban điều phối cần có nghiên cứu kỹ để đề xuất với Trung ương. Với vị trí là "mặt tiền biển" của đất nước, chúng ta cần có thêm những đánh giá về tiềm năng và lợi thế của khu vực miền Trung. Nếu nhìn tiềm năng kinh tế biển thì địa bàn này tập trung nhất, cơ hội này sẽ tranh thủ thế nào? - Phó thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2020, định hướng đến 2030. Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Rồi tới đây đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong được thành lập có cần thiết điều chỉnh quy hoạch chiến lược hay không và điều chỉnh theo hướng nào? “Cơ hội thì nhiều như vậy nhưng thách thức là cái gì? rào cản nào cản trở phát triển kinh tế vùng, trong đó có miền Trung, đó là vấn đề cần được tập trung thảo luận” - Phó thủ tướng nêu vấn đề cần trao đổi./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực