Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019

Thứ tư, 29/05/2019 17:01
(ĐCSVN) – Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số” đã khẳng định Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của nền kinh tế số, đặc biệt là tham gia ngày càng tích cực vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu.

Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018

Sáng 29/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019.

Lễ công bố diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: HNV).

Báo cáo năm nay bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, cũng đi sâu đánh giá và nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam, từ đó chỉ ra cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp và xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới. Báo cáo là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Trường Đại học Kinh tế) thực hiện hàng năm, từ 10 năm nay.

Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 tập trung vào chủ đề Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số. Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, là nền tảng cho phép cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển, và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó, nhưng sự chuẩn bị còn thiếu đầy đủ. Báo cáo năm nay, bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, đi sâu đánh giá và nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam, từ đó chỉ ra cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp và xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn về kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan.

Đây là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”. Báo cáo năm nay do PGS. TS Nguyễn Đức Thành và TS. Nguyễn Cẩm Nhung đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.

Các diễn giả tại sự kiện (Ảnh: HNV)

Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2018, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2019. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ sẽ được dự kiến xuất bản vào tháng 9 năm 2019. Báo cáo tiếng Anh dự kiến sẽ được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế vào cuối tháng 12 năm 2019.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 bao gồm 6 Chương và 2 Phụ lục, cụ thể: Chương 1, “Tổng quan Kinh tế thế giới 2018”; Chương 2, “Tổng quan Kinh tế Việt Nam 2018”; Chương 3, “Tương lai Nền Kinh tế Số của Việt Nam”; Chương 4, “Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”; Chương 5, “Ứng dụng dữ liệu lớn trong thống kê kinh tế vĩ mô: trường hợp thu thập giá cả trực tuyến để ứng báo lạm phát”; Chương 6, “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2019 và hàm ý chính sách”.

Về tầm nhìn chính sách trong dài hạn, các tác giả khẳng định vai trò thiết yếu của hệ thống luật pháp (với luật sở hữu trí tuệ đóng vai trò đột phá) và cải cách giáo dục (với trọng tâm là giải độc quyền chương trình và sách giáo khoa) cho Việt Nam trong tương lai./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực