Đồng Tháp: Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 02/09/2019 09:44
(ĐCSVN) – Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các địa phương của tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Theo đó, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị tiềm năng, có thị trường tiêu thụ ổn định, gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển cây có múi ở Lai Vung- Đồng Tháp (Ảnh: K.V)

Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Hồng đã có định hướng cụ thể, qua đó, duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Theo đó, đối với cây lúa, tiếp tục quy hoạch, mở rộng vùng canh tác tập trung theo hướng chất lượng cao, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, nhân rộng cánh đồng liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người sản xuất. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cùng nhau hợp tác và chia sẻ lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Căn cứ tình hình thực tế, các xã, thị trấn có điều kiện cần chủ động xây dựng kế hoạch xả lũ lấy phù sa và cải tạo môi trường.

Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa hè thu kém hiệu quả sang canh tác một số loại hoa màu, cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, gắn với liên kết tiêu thụ. Xây dựng, nhân rộng mô hình áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy trình, quy chuẩn VietGAP và tương đương, nâng cao hiệu quả sản xuất. Củng cố, phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua.

Đối với phát triển ngành chăn nuôi, từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi tập trung. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo quy trình nuôi an toàn sinh học, nâng cao chất lượng giống, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi mới góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nhằm góp phần gián tiếp vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận của người nông dân, huyện tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thủy sản, đồng thời từng bước áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhằm đảm bảo tính công khai quá trình sản xuất và xử lý khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Cũng liên quan đến canh tác lúa chất lượng cao, phù hợp với sự biến đổi của khí hậu, huyện Tháp Mười đã đưa vào thực hiện mô hình canh tác lúa lý tưởng, các hộ trồng lúa đã sử dụng 2 loại giống là OM 5451 và Đài thơm 8, áp dụng kỹ thuật sạ thưa bằng máy, sử dụng phân bón thông minh bón vùi 1 lần cho cả vụ. Do sản xuất theo mô hình đảm bảo chất lượng hạt lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo nên những diện tích này đã được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Đó là việc đưa vào sản xuất lúa tím than. Đây là giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 85 ngày, hạt lúa và gạo đều màu tím than. Giống lúa này rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất khoảng 5 tấn/ha. Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, xương khớp, béo phì, đặc biệt giống lúa này kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bệnh cháy bìa lúa

Sau một thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hồng Ngự đã đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng khá và bền vững, nhiều mô hình sản xuất an toàn hình thành, đặc biệt thông qua hợp tác xã , tổ hợp tác đã tập hợp được người dân sản xuất theo mô hình hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, các cấp lãnh đạo địa phương tích cực vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an ninh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện Hồng Ngự khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, theo đề án của Uỷ ban nhân dân huyện. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết “bốn nhà” để nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Là vùng nhãn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, huyện Châu Thành có khoảng 3.400ha đất canh tác với 3 giống nhãn phổ biến: da bò, xuồng cơm vàng và idor. Bên cạnh việc sản xuất nhãn theo hướng VietGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhà vườn huyện Châu Thành còn quan tâm đến sản xuất rải vụ và phát triển trồng nhãn theo hướng sạch gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm.

Hợp tác xã nhãn Châu Thành được xem là mô hình điểm sản xuất theo hướng này. Từ năm 2016 đến nay, thông qua một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, Hợp xã tác  đã xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, tạo phấn khởi để yên tâm sản xuất. Để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, huyện đang quy hoạch phát triển giống nhãn idor lên 2.000ha trong năm 2020 và mở rộng diện tích nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân, nhằm cung ứng nhãn cho thị trường xuất khẩu.

Hiện tại, địa phương cũng khuyến cáo nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn idor, áp dụng quy trình VietGAP đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường sự liên kết giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ nông sản; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp; coi trọng hợp tác kết nối giao thương giữa các trung tâm, các hệ thống siêu thị trong nước nhằm đưa vị ngọt nhãn Châu Thành đến với người tiêu dùng rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Có thể thấy, Đồng Tháp đang hướng đến sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh thực hiện tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, tạo ra nông sản an toàn theo nhu cầu thị trường. Cụ thể như mô hình sản xuất nhãn, chanh theo VietGAP; mô hình nhà màng trồng hoa lily, hoa đồng tiền; sản xuất lúa áp dụng biện pháp cấy bằng máy để giảm giá thành sản xuất... Việc nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao cũng được ngành nông nghiệp quan tâm như mô hình sản xuất rải vụ thu hoạch xoài; mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun, điều khiển tự động giảm giá thành trên cây xoài, sản xuất cảnh và áp dụng trên cây có múi.../.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực