Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 theo diễn biến dịch bệnh COVID-19

Thứ hai, 13/04/2020 18:26
(ĐCSVN) – Chủ động tiên liệu và dự báo các tình huống xấu nhất theo diễn biến của dịch bệnh COVID-19 tác động tới nền kinh tế để có những giải pháp và chính sách điều hành nền kinh tế ổn định bất chấp tác động khó lường của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Đây cũng là nhận thức chung được đông đảo các đại biểu đồng tình tại Tọa đàm trực tuyến “Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020” diễn ra sáng 13/4 tại Hà Nội.

PGS.TS Phạm Thế Anh điều hành phiên thảo luận Tọa đàm trực tuyến (Ảnh chụp lại từ màn hình Tọa đàm trực tuyến) 

Tọa đàm do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, nằm trong chuỗi báo cáo kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

Tọa đàm có sự tham gia trao đổi, thảo luận của các diễn giả chính: PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR; TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng; TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR (VCES); TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế…

Dịch bệnh COVID-19 – “cú sốc lớn” với nền kinh tế

Báo cáo về tình hình kinh tế Quý I/2020, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết, tăng trưởng kinh tế suy giảm tại nhiều nền kinh tế trong Quý I/2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Giá dầu giảm do việc không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga (price war) cùng ảnh hưởng từ đại dịch lan rộng trên toàn cầu. Điểm sáng đáng chú ý là các quốc gia trên thế giới đều có cách chính sách riêng để hỗ trợ nền kinh tế, cố gắng chống lại ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.

Hơn nữa, các dự báo tăng trưởng kinh tế của các tổ chức lớn trên thế giới có vẻ như chưa cập nhật hết tình hình hiện tại. IMF gần đây cảnh báo rằng kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020 trước khi phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp (đã điều chỉnh mùa vụ) tăng mạnh lên mức 4.4 % trong tháng 3/2020. 17 triệu việc làm đã bị cắt giảm trong 3 tuần gần đây nhất.

Cũng theo Báo cáo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý I/2020 đạt mức 3,82%, tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế suy yếu, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Đại dịch đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống ( giảm 11%).

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê (TCTK) về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy chỉ có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt  lên trong Quý 2; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. “Đây cũng là mức độ lạc quan trong kinh doanh thấp nhất kể từ tháng 4/2012 đến nay”- PGS.TS Thế Anh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế thảo luận tại Tọa đàm (Ảnh chụp lại từ màn hình Tọa đàm trực tuyến) 

Với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I. Trong năm 2020, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có; rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp; trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực thực phẩm) tăng lên. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,0% có thể đạt được nếu giá cả lương thực thực phẩm được kiểm soát tốt.

Trên cơ sở đó, dự báo 3 kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Với giả định, bệnh dịch không bùng phát mạnh ở Việt Nam như ở Vũ Hán, Trung Quốc, 3 kịch bản cụ thể là:

Kịch bản 1 (Lạc quan): Bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối Quý II/2020.  

Kịch bản 2 (Trung tính): Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau Quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối Quý III/2020.  

Kịch bản 3 (Bi quan): Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau Quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối Quý IV/2020.

VEPR dự báo, nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây một khi thế giới khống chế được bệnh dịch.  Trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vác-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới. Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

Chú ý các giải pháp trước mắt và dài hạn vừa chống dịch vừa bảo vệ và phát triển nền kinh tế

Bởi thế, các chuyên gia đã khuyến nghị, các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”). Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương). Ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chi trả kịp thời bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc; trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai.

 Nhóm hàng thiết yếu luôn được đáp ứng đủ trong dịch bệnh (Ảnh: HNV)

Riêng đối với nhóm DN bị ngưng hoạt động: Khoanh/ngưng các chi phí tài chính (Khoanh nợ/lãi, tiền   thuê đất). Sau khi bệnh dịch qua đi, nếu còn hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng bởi chính sách giãn hay thậm chí là miễn các loại thuế không có tác dụng với nhóm doanh nghiệp này. Đối với nhóm các DN bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động: Cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ. Hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT (không phải thuế TNDN); Ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Đối với nhóm các DN ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả: Cần hết sức tạo điều kiện về môi trường  thể chế và chính sách ngành (đây là nhóm gánh đỡ cho cả nền kinh tế).

Đáng chú ý, cần thúc đẩy đầu tư công đi kèm tiết kiệm chi thường xuyên: Đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyệt; Cắt giảm/tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%...

Các chuyên gia cũng nhất trí cao, trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như: giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch; từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19; đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu (tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc).

Trong khuôn khổ Tọa đàm, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES tỏ ra thận trọng khi đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Theo TS Thành, hiện tại, các giải pháp hỗ trợ bước đầu mới chỉ là chính sách ứng phó dịch bệnh mà chưa tính đến các phương án hỗ trợ sau dịch bệnh. Hơn nữa, chúng ta đang quá tập trung vào chống dịch hơn là tính đến các biện pháp phục hồi, giúp hỗ trợ DN thoát khỏi khủng hoảng, nguồn lực hỗ trợ còn thấp và thiếu, các biện pháp thoạt nhìn toàn diện nhưng chưa thấy trọng tâm và cơ bản chưa triển khai trong thực tế.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh, trong bất cứ bối cảnh nào, thúc đẩy kinh tế vẫn phải được coi là mục tiêu sống còn và nhất thiết phải tránh những biện pháp cực đoan, thái quá như hiện nay đang thực hiện ở một số địa phương.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, điều hành chính sách và kinh tế Việt Nam đang được biểu hiện rõ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và cũng chứng minh cho tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý. Đây chính là thời cơ tốt để nhân rộng hơn nền tảng số, không gian số, chuyển đối số. Hơn nữa, cũng cần chú ý tới nhóm đích yếu thế cần hỗ trợ mà theo tôi hiện nay không ai khác chính là nhóm dân nghèo thành thị, dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và cũng là nguồn cơn có thể gây mất an ninh trật tự xã hội khi lâm vào bần cùng hóa sau tác động của dịch bệnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh chúng ta đang chứng kiến một đại dịch đặc biệt trong lịch sử xã hội hiện tại và rõ ràng không thể dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để giải quyết khủng hoảng mà quan trọng hơn cả là phải tìm cách để duy trì nguồn lực con người cũng như nhanh chóng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để nhanh chóng phục hồi trở lại sau dịch bệnh./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực