"Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam: Thực tiễn và nhu cầu chính sách"

Thứ hai, 16/05/2016 17:23
(ĐCSVN) - Ngày 16/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEMS), Quỹ Châu Á tại Việt Nam (TAF) tổ chức Tọa đàm “Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam: Thực tiễn và nhu cầu chính sách".

Tọa đàm nhằm công bố một số nghiên cứu về thực trạng hoạt động từ thiện của doanh nghiệp, các cơ hội và thách thức từ môi trường pháp lý và các khuyến nghị cải thiện môi trường chính sách nhằm thúc đẩy, gắn kết hoạt động từ thiện của doanh nghiệp với các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) ở Việt Nam theo hướng hiệu quả, minh bạch và bền vững.

Tọa đàm về thực tiễn và nhu cầu chính sách trong hoạt động từ thiện của doanh nghiệp (Ảnh: PV)

Theo các đại biểu tham dự Tọa đàm, từ khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn hỗ trợ từ thiện dành cho Việt Nam từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ giảm dần và do vậy, cần nguồn lực mới từ khu vực doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, mối quan hệ giữa một bên cần nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhân đạo và phát triển (khối XHDS) và một bên có nhu cầu đóng góp cho các hoạt động đó (khối doanh nghiệp) lẽ ra phải chặt chẽ và bền vững. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ này lại chưa thực sự tích cực. Tìm hiểu và đánh giá “khoảng trống” đó từ góc độ pháp lý và chính sách được xác định là cấp thiết.

Tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng thư ký VCCI chia sẻ, xu hướng của thế giới hiện nay là ngày càng đề cao vai trò của doanh nghiệp trong các hoạt động xã hội như: Xoá đói giảm nghèo, phòng chống tham nhũng hay chống khủng bố... Điều này đã được thể hiện rất rõ nét trong 17 mục tiêu của chương trình Nghị sự 2030 mà Việt Nam đã ký kết thời gian vừa qua. "Trong xã hội hiện đại, doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm, không chỉ là phát triển hoạt động kinh doanh mà còn cần quan tâm đến các hoạt động xã hội bởi doanh nghiệp là nhân tố quan trọng với Chính phủ trong quá trình tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh" - ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, theo khảo sát 500 doanh nghiệp có quy mô khác nhau trên 3 vùng miền cả nước của Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), các hình thức hoạt động xã hội hay từ thiện của doanh nghiệp chủ yếu là quyên góp tiền chiếm đến hơn 70%, hiện vật chiếm khoảng 40% nhưng thời gian mà DN dành cho các hoạt động này lại khá thấp, khi chỉ có 10%. Điều này cho thấy, DN vẫn chưa coi trọng ý nghĩa thực sự của các hoạt động từ thiện đối với cộng đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trường phòng Pháp chế VCCI cũng  cho rằng, "hoạt động từ thiện nói riêng hay các hoạt động xã hội nói chung là cách "cho đi" để doanh nghiệp thể hiện giá trị của chính mình. "Đó là cách để làm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp tăng lên" - ông Tuấn khẳng định.

Chia sẻ tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, doanh nghiệp hiện nay vẫn làm từ thiện theo thói quen, theo các sự kiện cụ thể mà chưa có chiến lược cũng như kế hoạch dài hạn cho các hoạt động này.  Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xã hội là nhiệm vụ của Nhà nước, của cơ quan chức năng, nhưng doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận tích cực vào giá trị "cốt lõi" của các hoạt động này khi coi đây là động lực thúc đẩy doanh nghiệp  phát triển mạnh mẽ, nâng cao uy tín và thương hiệu của mình./.

MP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực