|
Nhà văn Mỹ Lady Borton trong cuộc gặp phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 5/5/2024. |
Phóng viên (PV): Xin bà cho biết điều gì đã thôi thúc bà trở lại Việt Nam trong dịp này?
Nhà văn Lady Borton: Tôi lựa chọn thời điểm này để đến Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất là vì tôi muốn được nhìn thấy khung cảnh Hà Nội trang hoàng cờ hoa rực rỡ chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước. Điều này khiến tôi thấy rất thích thú và thân quen. Tôi cũng muốn được gặp lại những người bạn Việt Nam, những người đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vào dịp này để được nghe họ kể những câu chuyện đầy ý nghĩa. Nghĩ đến việc được hàn huyên cùng bạn bè cũ, trong lòng háo hức vô cùng nên tôi đã bay đến Việt Nam.
Còn một lý do nữa thôi thúc tôi trở lại Việt Nam vào dịp này, đó là vì tôi đang gấp rút hoàn thiện bản thảo Bộ sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond” (tạm dịch là "Cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam: Điện Biên Phủ và những điều bên ngoài") và gửi cho Nhà xuất bản Thế giới để có thể kịp ra mắt vào đúng tháng 5 lịch sử này. Tôi dịch cuốn sách này với rất nhiều tâm huyết và coi đó như là một món quà tri ân của tôi dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn thể người dân Việt Nam - những người tôi vô cùng kính trọng và yêu mến.
|
Cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhà văn Lady Borton dịch sang tiếng Anh. |
PV: Thưa bà, xin bà cho biết lý do gì khiến bà bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy?
Nhà văn Lady Borton: Xuất phát từ lòng kính trọng và ngưỡng mộ dành cho Đại tướng, tôi đã luôn không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu thêm về vị tướng huyền thoại này. Tôi cho rằng, chỉ khi đọc và dịch những cuốn sách về Đại tướng mới có thể giúp tôi hiểu sâu hơn về ông và giới thiệu về trí tuệ, tài năng của ông ra thế giới một cách toàn diện và chính xác nhất.
Khi cuốn sách "Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Trung tướng Phạm Hồng Cư xuất bản năm 2004, dù chỉ hơn 100 trang nhưng là người trong nghề nên tôi biết ngay đây là cuốn sách rất đặc biệt, cụ thể và tỉ mỉ bởi người viết cuốn sách chính là người có mối quan hệ gắn bó thân thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình ông. Cuốn sách là những mảng hồi ức được ghép lại từ nhiều nguồn được Trung tướng Phạm Hồng Cư thu thập rất chi tiết và đầy đủ. Tôi dịch cuốn sách này với mong muốn có thể trả lời cho bạn đọc thế giới câu hỏi “Vì sao một người từ miền quê nghèo Quảng Bình không được đào tạo trong một trường quân đội chính thống lại trở thành Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lại lãnh đạo quân đội chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?”.
Sau cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, tôi đã dịch cuốn hồi ký mang tên “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” cùng cuốn sách “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mục đích đầu tiên của tôi chính là để thế giới hiểu thêm về lịch sử Việt Nam từ chính những người trực tiếp tham gia vào các sự kiện quan trọng của thế kỷ 20 trong lịch sử đất nước này. Tôi đã mất rất nhiều năm để hoàn thiện cuốn hồi ức "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" bởi lịch sử của các bạn có một bề dày truyền thống nên để hiểu được nó, tôi đã phải đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu rất kỹ. Tôi khâm phục tinh thần, ý chí cũng như sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam. Khi đọc cuốn sách đó và dịch nó ra tiếng Anh, tôi hiểu cặn kẽ hơn về nguyên nhân dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Nó cũng khiến tôi hiểu được rằng vì sao người Mỹ không bao giờ thành công trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Còn khi dịch cuốn sách “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã hiểu rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ là công sức của một tập thể bởi ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách đã liệt kê đầy đủ danh sách những người tham gia. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đứng đầu có cái nhìn tổng quát, còn những người khác có các góc nhìn trực quan cụ thể ở từng khía cạnh. Bởi thế, nó đem lại cái nhìn khách quan về sự thật lịch sử đã diễn ra.
Từ những cuốn sách mà tôi được đọc và dịch về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thấy rằng, Việt Nam thật tự hào vì có một vị tướng huyền thoại như Tướng Giáp.
|
Nhà văn Lady Borton (bên trái) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đại tướng. (Ảnh: Nhà văn Lady Borton cung cấp)
|
PV: Được biết, bà đã có nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những lần gặp ấy để lại trong lòng bà những ấn tượng như thế nào?
Nhà văn Lady Borton: Tôi đã nhiều lần gặp Tướng Giáp tại nhà riêng của ông vào những dịp sinh nhật ông hoặc những ngày kỉ niệm lớn của đất nước. Ông là một người rất nhiệt tình, chu đáo và mến khách. Mỗi lần gặp ông, tôi đều thấy rất ấn tượng với phong thái gần gũi, bình dị và đối xử với tất cả mọi người đều thân thiện, bình đẳng như nhau. Tôi cũng tiếp xúc nhiều với những người thân trong gia đình ông và cả những người hàng xóm của ông nữa. Mọi người đều nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người có tính cách rất cẩn thận, đặc biệt là trong công việc. Tôi từng được nghe một người bạn của ông kể lại rằng, những bản thảo mà nhân viên của ông viết gửi ông đọc duyệt nội dung đều cần phải sửa lại đến 12 lần. Có duy nhất có một lần bản thảo mà nhân viên gửi đến ông chỉ yêu cầu sửa 8 lần là vì khi đó ông đang bị ốm phải nằm viện mà thôi (cười).
PV: Theo bà, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Nhà văn Lady Borton: Cá nhân tôi nghĩ rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy cho Chiến dịch Điện Biên Phủ vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là vì thời đó người dân Việt Nam rất ít người được đi học và hầu như đều không biết chữ. Nhưng ông Võ Nguyên Giáp lại là một người thầy giáo dạy lịch sử có kiến thức sâu rộng và còn giỏi tiếng Pháp nữa nên Bác Hồ đã lựa chọn ông làm thủ lĩnh cho trận chiến đấu này. Theo như những tài liệu mà tôi đọc được, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi nhận vai trò chỉ huy Chiến dịch này, ông đã nghiên cứu rất nhiều sách lịch sử của Pháp, tìm hiểu và phác thảo sơ đồ các trận đánh của Pháp với các nước khác trước đây rồi lấy nó làm tư liệu để triển khai các kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nguyên nhân thứ hai, theo như sự hiểu biết của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi thấy Bác Hồ là người luôn đề cao vai trò của nhân dân. Vì thế, khi lựa chọn người lãnh đạo quân đội nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác cũng muốn lựa chọn một người có khả năng tập hợp nhân dân, có uy tín trong lòng nhân dân. Và tôi nghĩ Bác Hồ nhìn thấy được khả năng này ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên đã lựa chọn ông.
Theo những tài liệu tìm được trong quá trình dịch những cuốn sách về Đại tướng, tôi được biết, vào đầu những năm 1940, lực lượng Việt Minh bắt đầu lập căn cứ tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, cư dân khu vực này phần lớn là dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao…). Để thuận lợi cho công tác tuyên truyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học tiếng dân tộc Tày. Chính điều này đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tiếp cận được nhiều hơn với đồng bào dân tộc thiểu số và lấy được sự tín nhiệm của họ dành cho mình.
Nghiên cứu về thời trai trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như trận chiến Điện Biên Phủ, tôi nhận thấy Đại tướng là một con người từ nhân dân mà ra. Ông luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý "có dân là có tất cả". Những chiến công lịch sử gắn liền với tên tuổi của ông không thể có được nếu không có nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông. Ông từng khẳng định, không có những người dân làm ruộng thì lấy đâu ra gạo nuôi bộ đội đánh giặc. Chính vì luôn nghĩ cho nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân nên ông đã nhận được sự đồng lòng, giúp sức của toàn dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực tế đã chứng minh, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm người chỉ huy cho chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn đúng đắn.
|
Nhà văn Lady Borton trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
PV: Xin bà chia sẻ một chút về nội dung bộ sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond” (tạm dịch là "Cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam: Điện Biên Phủ và những điều bên ngoài") mà bà đang gấp rút hoàn thiện bản thảo?
Nhà văn Lady Borton: Bộ sách này của tôi gồm 3 cuốn với hơn 600 trang, gồm các tư liệu quý được thu thập và tập hợp từ những người từng tiếp xúc trực tiếp hoặc có quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuốn sách này, tôi có đưa ra một số chi tiết ít người biết về hai danh nhân của đất nước các bạn. Chẳng hạn như từ các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc sinh thời) thì Bác Hồ có trình độ rất cao về quân sự. Đây là chi tiết mà giới nghiên cứu thế giới ít chú ý.
Theo tôi tìm hiểu, vào năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là thông dịch viên cho một cán bộ Liên Xô (thuộc Quốc tế Cộng sản). Để dịch đúng thì phải hiểu nội dung, tức là phải có kiến thức về quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh với khả năng về tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt đã vừa dịch, vừa học kiến thức về quân sự. Tài liệu tôi thu thập được cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giỏi về trinh sát quân sự. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng cho biết, ông là người thực hiện tác chiến trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vạch chiến lược tổng thể. Ngoài ra, trong bộ sách, tôi còn bổ sung thêm bối cảnh cho những sự kiện đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1945-1954. Vì để hiểu rõ một sự kiện, cần phải biết về bối cảnh diễn ra của nó.
PV: Bà dự kiến sẽ cho ra mắt bộ sách này vào thời gian nào?
Nhà văn Lady Borton: Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và tôi muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt. Tôi đang gấp rút hoàn thiện những khâu hiệu đính cuối cùng để gửi sang Nhà xuất bản Thế giới. Tôi rất tiếc vì cuốn sách không kịp để ra mắt vào thời điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng tôi hy vọng sẽ kịp để cho ra mắt trong tháng 5 này, vào đúng dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Với tư cách là một học giả, bà đánh giá thế nào về Chiến thắng Điện Biên Phủ và ảnh hưởng của nó tới lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?
Nhà văn Lady Borton: Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện quyết tâm của người dân Việt Nam là giành được độc lập, tự do. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh của chiến dịch. Tài thao lược quân sự của ông đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Tôi đánh giá rất cao Chiến thắng Điện Biên Phủ vì tôi nhìn thấy tinh thần đoàn kết một lòng của người dân Việt Nam trong trận chiến. Tôi cho rằng, dù người đứng đầu có tài chỉ huy và chiến lược quân sự tốt nhưng nếu không quy tụ được sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ không thể có được thành công vang dội như vậy. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở ra trang mới cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và trở thành một tấm gương điển hình cho các quốc gia thuộc địa noi theo, khiến họ tin rằng một đất nước nhỏ bé như Việt Nam còn có thể đánh bại những quốc gia lớn như Pháp thì họ cũng có quyền hy vọng giành được độc lập và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
PV: Xin chân thành cảm ơn bà!
Nhà văn Mỹ Lady Borton sinh năm 1942, còn có tên tiếng Việt là Út Lý. Bà từng viết hai cuốn sách về Việt Nam là "Phía sau nỗi buồn" kể về những người phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp và "Tìm hiểu kẻ thù" viết về những người di tản Việt Nam bằng đường biển. Bà cùng với họa sĩ Mỹ David Thomas xuất bản cuốn “Hồ Chí Minh - Một chân dung”. Bà còn là dịch giả của nhiều cuốn sách sang tiếng Anh như cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè, đất nước tôi" của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Trung tướng Phạm Hồng Cư, hồi ký "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" và "Từ nhân dân mà ra" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Kể từ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào năm 1969 đến nay, bằng rất nhiều công việc như viết báo, viết sách, dịch thuật, làm từ thiện, bà mong muốn giúp thế giới hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Rất nhiều người Việt Nam biết đến nữ nhà văn Mỹ Lady Borton qua những tên gọi: “Sứ giả đem văn hóa Việt sang Mỹ và thế giới”, “Người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam cặn kẽ nhất”, “Nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm về Việt Nam”… Năm 1998, bà đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị.
|