Kiện toàn thể chế hướng tới nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm

Thứ ba, 28/03/2017 22:23
(ĐCSVN) – Ngày 28/3 tại Hà Nội, Liên minh Nông nghiệp phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 - “Kiện toàn thể chế hướng tới nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm”.


Hình ảnh tại Diễn đàn. (Ảnh: M.P)

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết, diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 được hình thành trong khuôn khổ của Liên minh nông nghiệp. Liên minh nông nghiệp có hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách, truyền thông để lôi kéo giới nghiên cứu hoạch định làm sao để có chính sách tốt. Theo đó, một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế, bao gồm các thể chế chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…).

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp-Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), thể chế phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu...; cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo theo chiều rộng, hướng vào phân khúc sản phẩm chất lượng thấp, chế biến thô; các thể chế quan trọng liên quan như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại. Các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững.

Ông Tiến cũng cho rằng, việc tổ chức thực hiện, sự phối kết hợp trong công tác giữa các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện còn hạn chế. Việc phối hợp giữa các mục tiêu chính sách dài hạn và ngắn hạn chưa có sự thống nhất xuyên suốt. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong phân bổ, điều tiết một số nguồn lực quan trọng, thiếu các cơ chế phối hợp vùng để đạt được hiệu quả lớn hơn trong đầu tư công.

Để khắc phục những tồn tại đó, tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị cần thiết phải nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ nông dân, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ. Người nông dân được đào tạo về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... có tinh thần hợp tác sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường…

Cùng với đó, cần định hướng và xây dựng thể chế cho ngành nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và thu nhập cho người nông dân; nông nghiệp xanh, sạch ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp sử dụng nguồn lực tiết kiệm và nông nghiệp thông minh, công nghệ cao.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai: tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và lợi ích của hộ nông dân trong sử dụng ruộng đất, chế định rõ cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền đó trong cơ chế thị trường.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực