Kinh tế quý I đạt nhiều kết quả tích cực

Thứ năm, 30/03/2017 10:30
(ĐCSVN) - Nền kinh tế quý I của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả nổi bật trong năm 2016, vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế.


Ảnh minh họa (Nguồn: hanoi.gov.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý I năm nay tuy cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012 - 2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016. Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76%.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong quý I có nhiều khởi sắc. Trong tháng Ba, cả nước có 12.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,7 nghìn tỷ đồng, tăng 120% về số doanh nghiệp và tăng 90,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung quý I năm nay, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 24,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 57,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 9,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 32,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tăng mạnh. Tính đến thời điểm 20/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,88% so với cuối năm 2016. Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43%. Tăng trưởng tín dụng quý I tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây đạt 2,81%, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện tích cực. Lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý I/2017 ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 29%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15%.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2017, đã thu hút 493 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.917,2 triệu USD, tăng 4,2% về số dự án và tăng 6,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,940 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2017 có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,9 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 3 tháng đầu năm đạt 7,710,1 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng đầu năm ước tính đạt 3.620 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2,1797 tỷ USD, chiếm 74,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Về hoạt động ngoại thương, tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 31,4 tỷ USD, tăng 13%. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý I năm nay đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 nhập siêu 2 tỷ USD; tháng 3 ước tính nhập siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung quý I nhập siêu 1,90 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,06 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,16 tỷ USD.

Nhìn chung, kinh tế nước ta trong quý I đã có những yếu tố tích cực như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; môi trường kinh doanh được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp; sản xuất nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước; tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm.

Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Các cân đối của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng, đồng thời chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.

Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa. Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại. Có giải pháp để chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.

Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ - một trong ba khâu đột phá được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, từ đó thông tin, chỉ đạo kịp thời để người dân chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh.

Có chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước; tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu. Phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ trong nước nhằm hạn chế nước ngoài thâu tóm mạng lưới siêu thị và đưa hàng vào thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao, các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tận dụng các lợi thế mở rộng thị trường theo cơ chế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực