Chung sức, đồng lòng xây dựng Điện Biên

Thứ năm, 02/05/2024 14:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Có dịp đến thăm Điện Biên sau 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ Bằng Việt đã viết “Giành đất với quân thù, dẫu nhiều năm, nhiều tháng/Nhưng nuôi đất nảy nở sinh sôi, là trận đánh đời đời!". Qua đó có thể thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội là cuộc chiến cam go, thử thách đối với mảnh đất lịch sử này.

Những người ở lại với Điện Biên

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra. Vì vậy, nhiều người lính thuộc Đại đoàn 316, Đại đoàn 312 và nhiều đơn vị bộ đội đã tình nguyện trở lại Điện Biên (khi đó thuộc tỉnh Lai Châu) để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường quân đội, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm đường sá, thủy lợi,…

 Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Tháng 3/1958, thực hiện sự chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ Thanh Hoá, Sư đoàn 316 (trước đó là Đại đoàn 316) hành quân ngược trở lại Tây Bắc tham gia xây dựng và bảo vệ Điện Biên Phủ. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Điện Biên, Trung đoàn 174 tổ chức thành Công trường 42 chuyên sản xuất vật liệu xây dựng; Trung đoàn 98 tham gia nâng cấp quốc lộ 6 và 279… Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, Điện Biên Phủ đã tổ chức tiếp nhận hơn 1.300 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ, nam nữ TNXP lên xây dựng kinh tế cùng bộ đội.

Trước lúc lên đường trở lại Điện Biên Phủ, một vinh dự to lớn đến với Sư đoàn 316, ngày 10/3/1958, Bác Hồ đến thăm, động viên “đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân, phải chuẩn bị đánh cho thắng...”, và tặng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bài thơ:

“Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ không làm lòng ta sờn…”

Mặc dù những ngày đầu đứng chân trên Tây Bắc vô cùng thiếu thốn và khó khăn, song nhờ tình cảm, niềm tin và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với Lữ đoàn 316 đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi gian khổ, đem mồ hôi, xương máu góp phần cùng nhân dân Tây Bắc xây dựng Nông trường Điện Biên trở thành nông trường quốc doanh đầu tiên của cả nước. Cũng từ đây, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhìn thấy “con trâu sắt” xới lên những đường cày thẳng tắp trên cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.

Cựu chiến binh Phạm Bá Miều nguyên chiến sĩ Sư đoàn 316, hiện đang sống ở phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ còn nhớ như in khi đó để góp phần xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược của Tây Bắc, Sư đoàn đã cử 300 cán bộ cùng chính quyền và nhân dân địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Ông Miều cùng 4 đảng viên khác được lệnh vào Mường Tè thực hiện nhiệm vụ… Kết quả, sau một năm tham gia xây dựng cơ sở, cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 cùng các địa phương trong tỉnh xây dựng được hàng chục cơ sở Đảng, kết nạp hàng trăm đảng viên, các tổ chức quần chúng hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các tổ đổi công, hợp tác xã ra đời, không khí lao động ở khắp các bản làng đều sôi nổi…

Ở thời điểm năm 1958, Điện Biên vẫn vẹn nguyên là mảnh đất vừa đi qua chiến tranh với chằng chịt những giao thông hào, dây thép gai, và bom mìn còn sót lại, khiến cho việc tái thiết cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, gian khổ. Người dân địa phương sản xuất còn lạc hậu, manh mún, phụ thuộc vào tự nhiên. Ngay cả cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất Tây Bắc cũng bị bỏ hoang do chiến tranh tàn phá, khiến người dân quanh năm chịu đói. Thế là, những người lính vốn chỉ quen cầm súng, nay phải đối mặt với những gian khó mới là thu dọn những phế tích đạn, bom, công sự... do chiến tranh để lại và làm cho cánh đồng Mường Thanh thực sự trở thành vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc.

Cũng trở lại Điện Biên từ năm 1958, ông Bùi Kim Điều, thuộc Đại đoàn 312 kể về những gian khó buổi ban đầu, khi mà nông nghiệp ở đây thiếu từ phân bón, các nông binh phải hướng dẫn người dân tận dụng các loại cây dại để làm phân xanh. Rồi cũng chính những nông binh ấy đãra sức, lăn lưng trên nông trường để khai hoang, mở rộng diện tích, trồng cà phê, trồng lạc, biến sỏi đá thành lương thực, thực phẩm, dần đáp ứng cuộc sống người dân.

 Cựu chiến binh Bùi Kim Điều phát biểu tại cuộc gặp mặt tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng (7/5/1954 - 7/5/2024)

Đến năm 1963, Điện Biên được đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, với sự tham gia của hơn 2.000 thanh niên tình nguyện. Sau gần 7 năm xây dựng, vượt qua muôn vàn khó khăn, Đại thủy nông Nậm Rốm đã hoàn thành, trở thành công trình lớn thứ hai sau công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (miền Bắc) lúc bấy giờ, cung cấp nước tưới nông nghiệp, mở rộng diện tích cánh đồng Mường Thanh lên gấp nhiều lần. Trên cánh đồng màu mỡ ấy, các giống gạo chất lượng cao như Séng Cù, Mường Then, Mường Trời... đã được người dân canh tác hiệu quả và nổi tiếng thơm ngon. Bởi thế, người Tây Bắc có câu "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc’’ để mô tả về 4 vựa lúa lớn nhất khu vực, đó là cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La).

Trong nhiều năm tiếp theo, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên năm xưa và những người dân từ Thái Bình, Thanh Hóa di cư lên Điện Biên ra sức hồi sinh mảnh đất này, để thêm màu xanh lúa mới, đem cơ giới hóa nông nghiệp đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, xây dựng các nông trường rộng lớn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Sự thay đổi kỳ diệu ấy có một phần đóng góp không nhỏ là mồ hôi, xương máu và trí tuệ, kinh nghiệm của những người lính, người dân công hỏa tuyến năm xưa, nay bám trụ ở lại mảnh đất này, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

“Đồng tình xây dựng Điện Biên”

“Thái đen, Thái trắng, Thái Bình/ Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên” là câu ca quen thuộc đi vào tiềm thức của bao thế hệ những người dân Điện Biên. Bởi lẽ cùng với hai dân tộc Thái đen và Thái trắng bản địa, rất đông người Thái Bình lên khai hoang, mở đất, rồi gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất nơi cực Tây Tổ quốc.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng ngàn người dân Thái Bình đã lên đường tham gia ở nhiều nhiệm vụ khác nhau, đã có 268 người vĩnh viễn không thể trở về. Sau chiến thắng, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, những năm 1960 - 1961, cùng với những cựu chiến binh ở lại xây dựng nông trường, dòng người Thái Bình lại từ đồng bằng lên vùng cao Ðiện Biên bắt đầu thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất, chủ yếu là làm lúa nước. Những hộ dân lên đợt đầu được bố trí ở khu vực xã Pom Lót, Núa Ngam, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Và những người con của quê hương 5 tấn đi mở đất ấy đã khai khẩn, mở rộng diện tích sản xuất lên gấp 2 - 3 lần, và mang theo kỹ thuật sản xuất lúa nước chuyển giao cho người dân tộc thiểu số tại Ðiện Biên. Những làng Thái Bình ở Điện Biên ngày ấy, bây giờ đã trở thành những vùng kinh tế mới trù phú. Người dân Thái Bình không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Ông Dương Quang Lơi, nguyên quán Hưng Hà (Thái Bình), hiện đang ở tại thôn Hưng Biên, xã Noong Luống, huyện Điện Biên chia sẻ: Không phải ngẫu nhiên mà ở các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên vẫn thấp thoáng những ngôi nhà Bắc Bộ kiến trúc kiểu 3 gian, 2 chái, hay có nhiều tên làng là tên ghép giữa các địa phương của Thái Bình và Điện Biên, như: Thôn Hưng Biên (xã Noong Luống) là kết hợp giữa Hưng Hà và Điện Biên; thôn Thanh Đông (xã Thanh Luông) là kết hợp giữa Mường Thanh và Đông Hòa (Đông Hưng, Thái Bình)… Người dân hay gọi là làng Thái Bình ở Điện Biên, bởi ở đây có nhiều người dân gốc Thái Bình lên Điện Biên lập nghiệp, hòa cùng cuộc sống bản địa, đem lên đây nghề trồng lúa nước, làm bánh đa, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Địa hình của Noong Luống là cả một thách thức trong sản xuất nông nghiệp vì địa thế “tay chảo”, cuối nguồn nước, nhưng bà con Thái Bình với trình độ thâm canh nổi tiếng, ở bất cứ nơi đâu cũng đều phát huy tốt, đã chọn lựa đưa vào gieo cấy những giống lúa phù hợp cho năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó chúng tôi còn giúp người dân tộc Thái rất nhiều trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, sống một cuộc sống văn minh, hòa chung những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Thái - Kinh.

 Ông Dương Quang Lơi, nguyên quán Hưng Hà (Thái Bình), hiện đang ở tại thôn Hưng Biên, xã Noong Luống, huyện Điện Biên

Ông Dương Văn Tác, nguyên quán Đông Hưng (Thái Bình), hiện đang sinh sống tại thôn Thanh Đông (Thanh Luông, Điện Biên) cho biết: Từ năm 1964 - 1966, 26 hộ gia đình ở xã Đông Hòa đã lên với vùng đất này, bắt đầu công cuộc khai hoang, mở đất. Trước đây, người dân tộc Thái canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không chú trọng chăm sóc nên năng suất lúa tương đối thấp, chỉ đạt 1,8 - 2 tấn/ha/năm đối với lúa nước, 1 tấn/ha/năm đối với lúa nương. Với kinh nghiệm nhiều đời truyền lại, người Thái Bình đã mang kỹ thuật làm cỏ, chăm sóc lúa theo từng thời kỳ… giúp họ thay đổi cách thức sản xuất xưa cũ. Nhờ vậy, năng suất lúa dần tăng lên, đến năm 1967 - 1968 đạt tới gần 5 tấn/ha/vụ…

Anh Nguyễn Văn Khiết ở bản Chạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (nguyên quán Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, hàng nghìn hộ dân Thái Bình hăng hái lên Điện Biên lập nghiệp tại khu vực này vào năm 1979. Lúc đó anh mới 3 tuổi, nỗi nhớ về quê hương chẳng có nhiều. Thay vào đó là những ký ức tuổi thơ gắn bó với đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Lúc ấy, núi rừng còn hoang vu, thăm thẳm, vô cùng bỡ ngỡ với những người đồng bằng như gia đình anh. May mắn thay, các hộ dân “chân ướt, chân ráo” lên đây nhận được sự đùm bọc, yêu thương của những người dân bản xứ giúp người đồng bằng nhanh chóng làm quen với môi trường mới để yên tâm lao động sản xuất, hòa hợp cuộc sống.

Noong Hẹt là xã đông dân nhất nhưng cũng là xã phát triển của của lòng chảo Điện Biên. Người dân địa phương tự hào không chỉ có nhiều người Thái Bình lên định cư mà xã còn có di tích Thành Bản Phủ thờ tướng quân Hoàng Công Chất (31/1/1706 - 21/3/1769) - người con ưu tú của Thái Bình đã giúp nhân dân Mường Thanh đánh thắng giặc Phẻ (giữa thế kỷ XVIII), xây dựng vùng căn cứ địa vững mạnh. Người Thái Bình ở đây luôn phát huy những phẩm chất quý báu của người dân đất lúa cần mẫn, sáng tạo, chăm chỉ lao động, vừa luân canh sản xuất hai vụ lúa, mở rộng diện tích trồng hoa màu, vừa cải tạo đất nuôi trồng thủy sản và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

70 năm trôi qua, những thế hệ đầu tiên ở lại với mảnh đất này cũng đã lần lượt ra đi, hoặc cũng đã ở tuổi 90 có lẻ. Nhưng tiếp nối họ là thế hệ thứ hai, thứ ba, những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, thực sự coi Điện Biên là quê hương, là nhà của mình. Họ đã góp sức cùng người dân địa phương biến Mường Thanh từ một cánh đồng hoang thành những mảnh ruộng da báo rồi đến cánh đồng rộng lớn, trù phú như ngày hôm nay, đưa Pom Lót trở thành vựa rau màu của của tỉnh, khiến Thanh Hưng trở thành làng hoa cây cảnh nổi tiếng… Đồng thời cùng chính quyền và người dân bản địa tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Chính trị, giáo dục, y tế, công nghiệp, quân đội… Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ./.

Thiên Ngân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực