|
Sản xuất nông nghiệp từ đầu năm 2020 về cơ bản ổn định. (Ảnh: PV) |
Chăn nuôi gia cầm tốt, thủy sản giữ đà tăng trưởng về nuôi trồng
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ngành thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng.
Cụ thể, tính đến thời điểm 15/1/2020, cả nước gieo cấy được 1.955,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dự báo thời tiết vụ đông xuân năm 2020 sẽ diễn biến bất thường, lượng mưa đạt thấp so với trung bình nhiều năm nên có khả năng xảy ra hạn hán, do đó các địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 1, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 152,8 nghìn ha ngô, bằng 93,7% cùng kỳ năm trước; 36,6 nghìn ha khoai lang, bằng 89,5%; 5,9 nghìn ha đậu tương, bằng 83,1%; 32,6 nghìn ha lạc, bằng 103,2%; 343,2 nghìn ha rau, đậu, bằng 99,3%.
Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Tính đến ngày 20/1/2020, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm...
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Canh Tý. Trong tháng 1, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 6,5 nghìn ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ 2019. Đáng mừng là, trong tháng 1 không xảy ra cháy rừng do thời tiết có độ ẩm tương đối cao, diện tích rừng bị thiệt hại là 24,8 ha do bị chặt, phá, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản lượng thủy sản tháng 1 ước tính đạt 502,3 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 259,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1/2020 ước tính đạt 242,4 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019.
|
Tín hiệu lạc quan từ tình hình kinh tế tháng 1/2020. (Ảnh: HNV) |
Sản xuất công nghiệp ước tính giảm nhưng không đáng lo ngại
Cũng theo Báo cáo của TCTK, sản xuất công nghiệp tháng 1/2020 ước tính giảm 5,5% so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay vào cuối tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, chỉ một số ngành có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ 2019: khai thác quặng kim loại tăng 34,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 30,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 11,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 1/2020 tăng so với cùng kỳ 2019: thép thanh, thép góc tăng 23,5%; điện thoại di động tăng 10,4% (điện thoại thông minh giảm 5,4%); phân u rê tăng 4,4%; sữa tươi tăng 3,7%; Alumin tăng 2,8%.
Đáng chú ý, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2020 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,1% so với cùng thời điểm 2019, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,5%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy giảm nhưng tổng vốn đăng ký tăng mạnh
Số liệu của TCTK chỉ rõ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 đạt gần 8,3 nghìn doanh nghiệp, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng mạnh 76,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Trong tháng 1/2020, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 84,5 nghìn lao động, do Tết Nguyên đán năm nay vào tháng 1 nên giảm 17,9% về số doanh nghiệp; giảm 21,7% về số lao động nhưng tăng 76,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ 2019.
Theo khu vực kinh tế, trong tháng 1 năm nay có 147 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bằng cùng kỳ năm 2019; 2.413 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,6%; 5.716 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 21%. Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều là: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2019; khai khoáng giảm 32,6%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 23,9%; xây dựng giảm 15,1%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7%. Có 5 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 8,6%; thông tin và truyền thông tăng 8%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,6%; giáo dục, đào tạo tăng 2% và dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 0,2%.
Cũng trong tháng 1 năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 11.702 doanh nghiệp, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2019; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 5.555 doanh nghiệp, giảm 54,8%, trong đó có 615 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, 2.133 doanh nghiệp thông báo giải thể và 2.807 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1 là 1.621 doanh nghiệp, giảm 10% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 1.451 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 12,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 594 doanh nghiệp, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019; công nghiệp chế biến, chế tạo có 191 doanh nghiệp, tăng 3,8%; xây dựng có 138 doanh nghiệp, giảm 22,5%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và dịch vụ hỗ trợ khác có 106 doanh nghiệp, tăng 9,3%. Trong tháng 1, cả nước còn có 3.496 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 26,7% so với cùng kỳ 2019.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019
Trong Báo cáo của TCTK, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/1/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1 ước tính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019.
Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1 năm nay có 7 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 3,8 triệu USD; có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 135,7 nghìn USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong tháng 1 đạt 4 triệu USD. Trong tháng 1, có 4 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu, sau đó là Nhật Bản, Cam-pu-chia và Hàn Quốc.
Một số số liệu khác cũng cho thấy bức tranh lạc quan về kinh tế ngay mở đầu năm 2020. Đơn cử như: Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2020 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 ước tính đạt 448,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 12/2019 và tăng 10,2% so với cùng kỳ 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12/2019 xuất siêu 259 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 đạt 517,3 tỷ USD, xuất siêu 11,1 tỷ USD, tương đương 4,2% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư ngước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 36,6 tỷ USD. Tháng 1/2020 ước tính nhập siêu 100 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỷ USD.
Hoạt động vận tải trong tháng 1/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh. Vận tải hành khách tháng 1/2020 ước tính đạt 482,7 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2019 và luân chuyển 23,6 tỷ lượt hành khách.km, tăng 16,9%. Vận tải hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 156,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 8,5%...