Phát triển chăn nuôi trâu, bò trong quá trình hội nhập quốc tế

Thứ năm, 11/02/2016 22:01
(ĐCSVN) - Trước quá trình hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi sẽ chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ, trong đó, chăn nuôi trâu, bò không là ngoại lệ. Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng, cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác, chăn nuôi trâu, bò cần có những bước cải tiến căn bản, đặc biệt về chất lượng con giống.

Để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, chăn nuôi trâu, bò cần tích cực xây dựng các chuỗi liên kết theo giá trị (Ảnh: BT)

Không ngừng cải thiện chất lượng con giống

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) năm 2014, đàn bò thịt của nước ta đạt 5,16 triệu con, giảm 15,41% so với năm 2009 (6,1 triệu con). Tuy nhiên, sản lượng thịt bò năm 2014 đạt 297,4 nghìn tấn, tăng 15,36% so với năm 2009 (257,8 nghìn tấn). Đàn bò sữa nước ta phát triển nhanh từ 115,5 nghìn con năm 2009 lên 227,6 nghìn con năm 2014, tăng 97,23%. Tổng sản lượng sữa năm 2009 chỉ đạt 278,2 nghìn tấn, đến năm 2014 đạt tới 549,5 nghìn tấn, tăng 97,52%. Với đàn trâu, giảm từ 2,88 triệu con năm 2009 còn 2,53 triệu con năm 2014, tuy nhiên sản lượng thịt trâu tăng từ 74,96 nghìn tấn năm 2009 lên 86,54 nghìn tấn năm 2014 (tăng 15,45%).

Thực tế thời gian qua, ngành chăn nuôi trâu, bò đã đạt được nhiều bước tiến tích cực, trong chăn nuôi bò sữa đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá trong công tác quản lý nuôi dưỡng bò sữa năng suất cao, xây dựng đàn hạt nhân bò sữa cao sản. Các mô hình chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả cao được chuyển giao cho các vùng chăn nuôi bò sữa như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Mộc Châu – Sơn La, Bắc Ninh, Nghệ An,…

Trong chăn nuôi bò thịt, đã nghiên cứu tuyển chọn được những giống bò đực chuyên thịt ngoại thuần chủng, cao sản ưu tú trên thế giới. Đồng thời xây dựng và chuyển giao mô hình phát trển chăn nuôi bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển giao tinh trâu, bò đông lạnh đã góp phần cải tạo đàn trâu, bò Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2014, nước ta có khoảng 227,6 nghìn con bò sữa, sản lượng sữa tươi đạt 549,5 nghìn tấn, sản lượng sữa trung bình đạt khoảng 5,3 tấn sữa/chu kỳ 305 ngày. Trong đó, có khoảng 80 nghìn con cao sản có sản lượng sữa đạt từ 6,5 – 7,5 tấn sữa/chu kỳ 305 ngày.

Với các tiến bộ về giống đạt được trong thời gian vừa qua, dự kiến đến năm 2020, sản lượng sữa trung bình của toàn đàn bò sữa toàn quốc sẽ đạt khoảng 6.000kg/chu kỳ 305 ngày. Điều này khẳng định sự thành công trong công tác nâng cao năng suất, chất lượng giống bò sữa trong những năm qua.

Thách thức không nhỏ

Theo TS. Lê Văn Thông – Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khi tham gia hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi trâu, bò nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Trong đó, ngành sẽ được tiếp cận nhanh hơn công nghệ, giống vật nuôi mới, các hình thức sản xuất tiên tiến. Đồng thời, tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; tạo sức mạnh thúc đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi; đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và phương thức sản xuất chăn nuôi; thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao.

Bên cạnh những cơ hội mang lại, ngành chăn nuôi trâu, bò cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Trong đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn, nâng suất chăn nuôi thấp, giá thành cao. Đầu vào của ngành chăn nuôi còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế. Liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi chưa phát triển, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm còn cao; đồng thời công tác quy hoạch chăn nuôi ở nhiều địa phương còn khó khăn do thiếu quỹ đất, tái cơ cấu ngành chăn nuôi thực hiện còn chậm. Nhiều địa phương, doanh nghiệp còn chưa cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế.

Thêm vào đó, mặc dù Việt Nam có lượng phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào, tận dụng ủ ướp, phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò rất hiệu quả, nhưng lại thiếu quỹ đất chăn thả bò nuôi quy mô lớn. Do nguồn cung không đủ nên hiện nay và về lâu dài vẫn phải nhập bổ sung thịt bò đông lạnh và thịt bò sống. Tác động của hội nhập có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng của ngành chăn nuôi sang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về chăn nuôi tại Việt Nam và làm việc tại các nước đối tác trong khối FTA. Đây cũng là một bất lợi cho ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập.

Cần đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò

Nhằm hội nhập quốc tế hiệu quả, theo TS. Lê Văn Thông, trong thời gian tới, việc phát triển đàn trâu, bò cần đảm bảo cung cấp giống cao sản ưu tú cho sản xuất, hướng tới đạt tỷ lệ 70% với bò thịt, 100% với bò sữa đến năm 2020 và đạt 80% với bò thịt đến năm 2030. Phát huy lợi thế của từng tỉnh, thành, nhất là vùng có đất đai rộng lớn hoặc có nguồn phế, phụ phẩm nông, công, ngư nghiệp dồi dào. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ do nhu cầu thịt bò, sữa bò cho Việt Nam còn rất rộng lớn, sử dụng được phụ phẩm nông, công, ngư nghiệp, rạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu về thịt bò, sữa bò ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời chuyển được phương thức chăn nuôi truyền thống thả rông sang chăn nuôi bán chăn thả; chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không kiểm soát được dịch bệnh sang chăn nuôi trang trại, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các giải pháp cần chú trọng để phát triển ngành chăn nuôi trâu, bò trong quá trình hội nhập gồm: cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, số lượng đàn trâu bò, chọn lọc trâu bò đủ tiêu chuẩn để cải thiện chất lượng giống tại các địa phương thông qua bình tuyển, giám định, xếp cấp hàng năm, loại thải những trâu, bò không đảm bảo tiêu chuẩn giống.

Mặt khác, cần quy hoạch và dành diện tích đất đai để trồng cỏ thâm canh; trồng, chăm sóc thu hoạch, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh để đáp ứng nhu cầu quanh năm cho trâu bò, tận thu, chế biến các phụ phẩm nông công nghiệp như rơm rạ, ngọn mía, bã mía,…đặc biệt dự trữ trong vụ đông xuân ở miền Bắc tránh để đảm bảo thức ăn cho gia súc trong vụ đông. Chuồng trại cần đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, công tác tiêm phòng được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt, xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi.

Thêm vào đó, cần khuyến khích chăn nuôi công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, giảm tối thiểu chăn nuôi thả rông bằng chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại, mô hình chăn nuôi trâu bò tiên tiến. Thông qua đó nhằm tập huấn kỹ năng chăn nuôi trâu bò thịt, sữa; giúp cho người chăn nuôi học tập, thực hành kiến thức mới về chăn nuôi bò sữa cao sản.

Hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt, doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với người nông dân; sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nơi chế biến, đưa ra thị trường bán lẻ hoặc siêu thị, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Tăng cường nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường nhằm định hướng quá trình sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác thương mại, tiếp cận thị trường theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thịt bò sau giết mổ, tạo ra các sản phẩm thịt bò đa dạng và được chế biến, đóng gói, có tem nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực