Vì sao giá nhà ở tăng cao vô lý, bất thường?

Thứ hai, 28/10/2024 14:08
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng giá nhà ở, đặc biệt tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tăng cao phi thực tế là vấn đề rất không bình thường. Nếu không chỉ đúng bệnh, chữa đúng thuốc thì nhà ở ngày càng xa rời tầm tay người dân... Đồng thời kiến nghị tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội, quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.

Sáng 28/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Thị trường bất động sản mất cân đối khi thiếu căn hộ bình dân, thừa căn hộ cao cấp

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu rõ thời gian qua giá nhà ở tăng quá cao, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

“Giá nhà đất ở một số khu vực đang tăng phi thực tế, lãnh đạo Bộ Xây dựng trong cuộc họp báo mới đây cũng nhận định đây là sự vô lý và bất thường” – bà Thuỷ nói và chia sẻ giá nhà ở tăng đột biến, nhất là giá chung cư tăng gấp đôi, gấp ba lần khiến dự định mua nhà của người dân phải gác lại sau một thời gian dài vất vả tìm mua chỗ ở.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường sáng 28/10. Ảnh: QH 

Giá đất tại ngoại thành Hà Nội cũng bị đẩy lên cao, thông qua các phiên đấu giá đất xuyên đêm, với hàng nghìn người “ăn chực, nằm chờ” tham gia đấu giá. “Giá đất ở huyện ven đô nhưng lên đến hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Giá đất tại một số địa phương liên tục thiết lập các mặt bằng mới, giá đất này đang vượt xa so với thu nhập của người dân” – đại biểu Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá, trong khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án đang ách tắc, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mà giá nhà ở tăng đột biến, nhất là ở khu vực không có dự án mới là điều bất bình thường.

Nữ đại biểu này cũng dẫn chứng nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng là “tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao như vừa qua”.

“Thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư đã thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người dân để trục lợi. Thủ đoạn họ sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó tới thời gian nộp tiền thì bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực mà họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận” – bà Thủy nhấn mạnh.

Trong khi đó thị trường bất động sản tồn tại sự mất cân đối khi thiếu căn hộ bình dân, trung cấp, thừa căn hộ cao cấp. Những điều này khiến người dân có nhu cầu thực không mua được nhà ở, trong khi không ít người có tiền đang găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận.

Theo đó, đại biểu Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động; tháo gỡ ngay các vướng mắc dự án nhà ở hiện nay. Đồng thời nghiên cứu, có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất như trong thời gian vừa qua.

Đại biểu cho rằng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản công khai để người dân nắm rõ giá đất tại các khu vực, nhằm giảm thiểu tình trạng thổi giá, đầu cơ.

Điều tra việc tung tin, nâng giá bất động sản

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thị trường BĐS hiện nay như giao dịch BĐS chưa được minh bạch, hiện tượng kê khai giá chuyển nhượng đất đai khi công chứng luôn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường...

Nhiều dự án có sử dụng đất tại địa phương phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và làm nảy sinh các thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư và chính quyền địa phương…

Chỉ ra nguyên nhân, ông cho rằng do tính dự báo thị trường BĐS, khả năng đánh giá, phân tích các quy định về BĐS nhà ở để tham mưu, cụ thể hoá chính sách của đội ngũ cán bộ tham mưu ở các cấp, ngành chưa toàn diện.

Cùng đó, cơ cấu BĐS chưa phù hợp, chưa có quy định thống nhất về tỉ lệ trên một địa bàn thì quy hoạch bao nhiêu đất cho NOXH, căn hộ trung, cao cấp cho dịch vụ du lịch…

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Mai kiến nghị hai nhóm giải pháp. Một là nhóm nhiệm vụ giải pháp về thể chế, cơ chế. Ông Mai đề nghị rà soát các quy định của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 để sửa đổi, hoàn thiện nếu có vấn đề chưa phù hợp.

Hai là, xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất cũng như các khu vực thuộc quy hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng thổi giá, đầu cơ của các chủ đầu tư và môi giới BĐS.

“Cần giao cơ quan điều tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi thông tin không chính xác như đưa tin về khu vực đó sẽ được đầu tư du lịch, bến xe, bệnh viện… nhằm nâng giá giao dịch BĐS, đầu cơ kiếm lời, gây tác động tiêu cực tới hoạt động của thị trường BĐS” – đại biểu Mai kiến nghị.

Ba là kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Xây dựng tham mưu ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ các chủ đầu tư thực hiện dự án NOXH, tránh phát sinh các vấn đề chất lượng nhà không đảm bảo theo thiết kế, tự ý tăng giá bán NOXH so với giá được phê duyệt, chính sách vay vốn…

Nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản đối với bất động sản thứ 2 trở lên

Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cũng nhìn nhận giá nhà ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các TP lớn đang tăng rất cao, vượt xa tầm tay và nhu cầu ở thực của người dân.

"Tình trạng này có phần do chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là các giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật" - ông An nói và cho rằng để giải quyết có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội.

Ông cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản đối với bất động sản thứ 2 trở lên cùng các giải pháp nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.

“Nếu thanh tra ai đang ở trong NOXH, chắc rằng có người không đúng đối tượng được ưu đãi”

Góp ý vào báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình với kết quả giám sát đã được nêu, tuy nhiên bà muốn bổ sung thêm một vấn đề khá quan trọng về phát triển NOXH thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu tại hội trường sáng 28/10. Ảnh: QH 

Cụ thể, đối tượng được tiếp cận NOXH có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu được NOXH không trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay thu nhập thấp như trong quy định.

Theo đại biểu Nga, báo cáo của các địa phương cho thấy cơ bản các sở, ngành tuân thủ quy định khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH. Tuy nhiên, có những dự án NOXH chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán đã xuất hiện trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…

“Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong NOXH thì chắc rằng sẽ có người không đúng đối tượng được ưu đãi” – đại biểu Nga nói và cho hay thực trạng này có nhiều nguyên nhân, như có sai phạm và sai sót trong phê duyệt hồ sơ mua NOXH, lách luật để mua đi bán lại NOXH. Điều này dẫn đến hệ luỵ người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận với NOXH hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể. Theo đại biểu, trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho hay sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH. Trong đó, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường BĐS và NOXH, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng NOXH.

“Tôi đề nghị bổ sung nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu NOXH và quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua NOXH để có thể phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan” – Đại biểu Nga nói.

Phát biểu thảo luận ở Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị trong báo cáo giám sát cần đánh giá, phân tích thêm về vai trò, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện pháp luật và cả người dân trong việc tìm hiểu pháp lý của các dự án bất động sản. Lý giải điều này, đại biểu Xuân cho rằng, đây là các giao dịch dân sự có giá trị lớn nhưng người mua thường nghe thông tin từ người thân quen, người bán mà chưa liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hoặc do lòng tham mà bất chấp rủi ro về pháp lý dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong thời gian qua.

Vì vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung đưa vào giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về thị trường bất động sản, công khai, minh bạch pháp lý các dự án, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực