Tây Ninh: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

Thứ hai, 21/08/2017 17:33
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, địa phương này vừa khoanh định 4.575 khu vực, điểm cấm và tạm thời cấm hoạt động, khai thác khoáng sản trên địa bàn với tổng diện tích là trên 140.584 ha.

Trong đó có 86 khu vực với diện tích là trên 2.153 ha đất, thuộc đối tượng bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; 23 khu vực và 10 điểm với 61.811 ha thuộc đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 16 khu vực với trên 13.168 ha, thuộc đối tượng hồ thủy lợi; 113 khu vực với trên 960 ha thuộc đất quốc phòng; 42 khu vực với trên 391 ha thuộc đất an ninh; 638 khu vực với trên 772 ha thuộc đất tôn giáo, tín ngưỡng; 84 khu vực và 718 điểm thuộc đất thông tin và truyền thông; 2.758 khu vực với trên 37.121 ha thuộc đất giao thông; 20 khu vực với trên 23.709 ha thuộc đất dành cho phát triển công nghiệp và 36 khu vực với trên 474 ha thuộc đất phát triển năng lượng.

Một khu vực cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Ảnh: NS)

Tỉnh Tây Ninh cũng khoanh định 31 khu vực với trên 14 ha, tạm thời cấm, thuộc đối tượng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được nhà nước xem xét công nhận.

Quyết định trên được coi là cơ sở để thống nhất quản lý, bảo vệ các lợi ích kinh tế, xã hội; các công trình di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu vực đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, hồ chứa nước thủy lợi; các khu vực dành cho mục đích an ninh quốc phòng, các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng… không bị xâm hại bởi hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xem xét lại việc cấp phép hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng vì công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp vào công trình an ninh quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, theo quy định hoạt động khai thác khoáng sản phải cách xa bờ, đập 500 mét trở lên, nhưng hiện nay vẫn còn 5 dự án khai thác cát đang hoạt động gần các bờ đập phụ và xe tải chở cát hàng ngày vẫn lưu thông trên bờ hồ là chưa an toàn cho công trình hồ nước.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 894/QĐ-UBND ban hành kèm theo kế hoạch, về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước đối với các đơn vị được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Theo đó, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát xây dựng theo quy định của Luật Khoáng sản. Đây là cơ sở pháp lý để địa phương quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đối với nguồn khoáng sản cát xây dựng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến tháng 4/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã cấp phép khai thác khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng cho 11 đơn vị, vị trí các mỏ khai thác nằm trên địa bàn 2 huyện, gồm: huyện Tân Châu có 6 mỏ; huyện Dương Minh Châu có 5 mỏ, trong đó có 2 mỏ chưa đi vào khai thác. Tổng trữ lượng cát được phép khai thác theo giấy phép 6.452.454 m3, trữ lượng đã khai thác 897.049 m3, trữ lượng còn lại 5.555.405 m3.

Qua kiểm tra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị được kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm tra và đề ra các biện pháp khắc phục ngay các hành vi vi phạm, không để tái diễn vi phạm, trong đó thực hiện nghiêm túc một số yêu cầu: Chấp hành nghiêm các Quyết dịnh xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đề ra biện pháp khắc phục ngay các vi phạm… Hoàn thành các thủ tục còn thiếu, nhất là tiến hành ngay việc chuyển đổi lại giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định. Công bố đầy đủ, rõ ràng, nghiêm túc kế hoạch khai thác, xuất bán, vận chuyển cát (hàng ngày, hàng tuần, tháng…) để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Đăng ký đầy đủ theo quy định đối với các phương tiện hoạt động, khai thác trong khu vực hồ (số lượng phương tiện, tải trọng…).

Việc khai thác cát phải thực hiện đúng nội dung đề án mỏ đã được phê duyệt và nội dung giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp, nhất là thực hiện nghiêm túc đúng quy định nội dung địa chỉ tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cát phục vụ địa phương. Thực hiện nghiêm túc Khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản quy định về trách nhiệm của tổ chức, các nhân khai thác khoáng sản.

Trên cơ sở kết luận kiểm tra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về trách nhiệm của mình liên quan đến những sai phạm của doanh nghiệp, những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý, nhất là công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép khoáng sản. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, bảo đảm quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định./.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực