Theo dõi sát, sẵn sàng ứng phó với châu chấu sa mạc

Thứ tư, 03/06/2020 16:16
(ĐCSVN) - Hiện nay, hành trình di cư của châu chấu sa mạc trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Vì vậy, với Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sẵn sàng kế hoạch để ứng phó nếu loài vật này di chuyển vào nước ta.
 Một bầy châu chấu tại Kenya (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), đàn châu chấu sa mạc trưởng thành đã di chuyển đến phía Bắc Ấn Độ. Cụ thể, tại Ấn Độ, những nhóm châu chấu mới hóa trưởng thành và các đàn châu chấu từ khu vực sinh sản trong mùa Xuân đã đến sa mạc Rajasthan (thuộc miền Tây Ấn Độ) từ phía Tây và tiếp tục di chuyển về phía Đông Rajasthan và các tiểu bang Madhya Pradesh và Maharashtra.

Đến ngày 26/5/2020, đã có ít nhất một đàn châu chấu trưởng thành đã đến khu vực phía Đông Bắc Bhopal (thành phố ở miền Trung Ấn Độ). Phần lớn sự di chuyển của các đàn châu chấu sa mạc tại Ấn Độ trong thời gian qua có liên quan đến những đợt gió mạnh tạo ra bởi siêu bão Andama từ vịnh Bengal. Các hoạt động kiểm soát châu chấu đang được triển khai tại Ấn Độ.

Theo các chuyên gia FAO, từ nay đến tháng 7/2020, dự kiến những đàn châu chấu ở phía Đông sa mạc Rajasthan có thể tiếp tục lây lan sang phía Bắc Ấn Độ và xa nhất đến thành phố Bihar and Orissa thuộc miền Trung Ấn Độ và sau đó di chuyển về phía Tây và trở lại sa mạc Rajasthan bởi sự thay đổi hướng gió mùa. Sự di chuyển của châu chấu sa mạc tại Ấn Độ sẽ chấm dứt trong tháng 7 do thời gian này đàn châu chấu bắt đầu ghép đôi, sinh sản và ít di chuyển.

Hiện nay, tình hình đáng báo động ở Đông Phi. Trong đó, Kenya, Ethiopia và Somalia đang tiếp tục phải đối mặt với một mối đe dọa chưa từng có với an ninh lương thực và sinh kế. Những đàn châu chấu trưởng thành mới từ khu vực sinh sản hiện nay sẽ được hình thành từ giữa tháng 6 trở đi, thời điểm này trùng với thời gian bắt đầu thời điểm thu hoạch cây trồng.

Dự kiến, có nguy cơ đàn châu chấu trưởng thành sẽ di chuyển đến các khu vực sinh sản trong mùa hè nằm dọc theo biên giới Ấn Độ - Pakistan cũng như Sudan và các quốc gia thuộc khu vực Tây Phi. Cho đến nay, tình hình châu chấu sa mạc vẫn diễn biến phức tạp, các đàn châu chấu di chuyển qua lại theo hướng gió nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao.

Mặc dù chúng đã xâm nhập vào Bắc Ấn Độ nhưng theo dự báo của FAO chúng sẽ di chuyển trở lại phía Tây Ấn Độ, về sa mạc Rajasthan vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm biến đổi các nhân tố thời tiết khí hậu, từ đó làm thay đổi quy luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại, trong đó có châu chấu. Nếu để dịch châu chấu xảy ra sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục giám sát châu chấu sa mạc với cường độ cao nhất và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó, không để bất ngờ trước dịch bệnh. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật đưa châu chấu sa mạc vào đối tượng giám sát đặc biệt, hàng ngày bố trí cán bộ nắm thông tin châu chấu sa mạc lây lan, gây hại trên thế giới thông qua internet, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang tin điện tử chính thức của FAO, cập nhật diễn biến các đàn châu chấu ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á. Đồng thời, rà soát các thuốc dự trữ quốc gia để đề xuất bổ sung thuốc dự trữ dập dịch châu chấu sa mạc (bao gồm cả châu chấu tre lưng vàng) nếu xảy ra dịch trên diện rộng. Tiếp tục cập nhật kế hoạch phòng chống dịch châu chấu sa mạc theo các thông tin, tài liệu kỹ thuật thu thập được.

Để ứng phó với châu chấu sa mạc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình các đàn châu chấu di cư; các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc nhằm chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả. Cùng với đó, làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn; làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương để sử dụng radar dân sự giúp thuận lợi hơn cho công tác này./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực