Thị trường, giá cả giáp Tết: Nguồn hàng hoá dồi dào, đa dạng

Thứ sáu, 22/01/2010 10:42

(ĐCSVN) – Hiện nay, các địa phương đang tích trữ hàng hoá với nhiều mặt hàng, mẫu mã, chủng loại đa dạng và phong phú nhằm đảm bảo cho sức mua khi Tết Nguyên đán đến gần…

Kiên Giang: Hàng hoá rục rịch tăng giá

 

 Gần Tết, rau, củ, quả luôn tăng giá (Ảnh: VNN)

Tại thời điểm này, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 4 loại hàng hóa gồm: Đường tinh luyện, nước giải khát, gạo và thực phẩm đang tăng giá. Trong đó 3 loại hàng tăng mạnh nhất là gạo đặc sản tăng từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, thịt lợn tăng từ 2.000đ đến 3.000 đồng/kg, một số loại cá nước ngọt cũng tăng từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương, một số loại hàng tăng giá là do tư thương thao túng thị trường, lợi dụng lúc nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, trên thực tế lượng hàng hóa không thiếu. Lượng hàng hóa có sẵn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết năm nay trị giá lên đến 500 tỷ đồng, tăng hơn Tết năm trước 200 tỷ đồng. Trong khâu điều hòa phân phối, ngành cũng đã tính đến sự khác nhau về nhu cầu giữa nông thôn và đô thị, nhằm cung ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng gây sốt giá giả tạo, bất lợi cho người tiêu dùng.

Tiền Giang: Hàng hoá dồi dào, đa dạng

Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, hàng chục doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã tập kết gần 20 mặt hàng thiết yếu, trị giá gần 135 tỉ đồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Canh Dần, bảo đảm không xảy ra tình trạng sốt cung - cầu hàng hóa giả tạo. Công ty Lương thực tỉnh Tiền Giang mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa lên 15 điểm với trên 600 mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân Tiền Giang và Bến Tre. Công ty cam kết cung cấp đủ lượng gạo theo yêu cầu khách hàng, không để khan hiếm hoặc “sốt” gạo xảy ra.

Tết năm nay, hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại nhờ tỉnh Tiền Giang gắn kết với chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, hỗ trợ lãi suất ưu đãi và ưu tiên cho các doanh nghiệp vay chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh tổ chức Chương trình “Khuyến mại và tiêu dùng hàng Việt Nam” dưới hình thức chợ phiên, kết hợp bán giảm giá và các giải pháp khuyến mại khác, mở thêm 22 điểm bán lẻ ở những địa bàn trọng điểm nhằm đưa hàng hóa đến với nông dân, công nhân lao động và các khu dân cư vùng sâu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình phục vụ Tết Canh Dần được tỉnh hỗ trợ chi phí vận chuyển, lãi suất, tạo mọi thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán phục vụ nhân dân. Nhờ vậy, dịp Tết Nguyên đán này nhân dân trong tỉnh có nhiều sự lựa chọn theo sở thích, nhu cầu và túi tiền, an tâm mua sắm hàng hóa với giá cả phải chăng, ổn định.

Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh Long Chợ Gạo, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hiện thanh long có giá 12.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng một năm trở lại đây.

Theo ông Ửng, giá thanh long tăng cao là do đang ở vào vụ nghịch, nên sản lượng thanh long cho thu hoạch ít. Ngoài ra, do gần thời điểm cận Tết, thị trường tiêu thụ trái thanh long trong và ngoài nước sôi động hơn so với trước đó; nhiều hợp đồng xuất khẩu thanh long đã được ký kết. Mặc dù, giá tăng cao nhưng có rất ít nhà vườn có thanh long để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong đợt này.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 2.500 ha thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo. Theo các nhà vườn trồng thanh long, với mức giá trên, thanh long trái vụ sau 3 tháng nhà vườn có lãi gần 100 triệu đồng/ha.


TP Hồ Chí Minh: Lượng rau củ quả ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng

Theo đại diện Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tuần này, lượng rau củ quả về các chợ rất dồi dào, giá cả ổn định, riêng mặt hàng củ kiệu, củ hành tím, giá tăng mạnh so với năm ngoái.

Tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt 6.046 tấn/tuần, tăng 7% so với tuần trước, giá hầu hết các loại rau, củ, quả ổn định, chỉ có mặt hàng của củ kiệu và củ hành tím từ Vĩnh Long và một số tỉnh miền Tây đổ về giá tăng cao, hành tím giá 21.000 đồng/kg, củ kiệu 30.000 đến 32.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.

Tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, ngày 20/1, lượng hàng về chợ đạt hơn 2.800 tấn, tăng từ 5% đến 10%. Trong đó giá một số loại rau như cải thảo, bông cải, dưa leo, đậu que giảm nhẹ. Các m ặt hàng củ kiệu, củ hành tím, từ Nha Trang, Bình Thuận đổ về chợ khá nhiều, giá cả lại tăng cao. Hiện, củ kiệu có giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá chỉ từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg; củ hành tím giá từ 25.000 đến 28.000đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó G iám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết: Lượng hàng về chợ tương đối ổn định, giá không tăng. So với năm ngoái, củ kiệu và củ hành tím tăng giá vì đang vào đầu vụ. Tuy nhiên, do sức mua tăng không đáng kể nên các tiểu thương chỉ lấy hàng vừa phải.

Lạng Sơn: Cho doanh nghiệp vay vốn để mua bán hàng tết

Trong lúc doanh nghiệp (DN) khó khăn về vốn dự trữ, UBND tỉnh, Sở Tài chính và các ngành tỉnh Lạng Sơn đã cân đối ngân sách tạm ứng cho DN khẩn trương tổ chức dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán cho đồng bào vùng khó khăn. Các Công ty cổ phần thương mại, cổ phần lương thực, cổ phần siêu thị là đơn vị chủ đạo cung cấp các mặt hàng thiết yếu đảm bảo số lượng và chất lượng hàng Tết, bình ổn giá.

Càng giáp Tết, hàng hoá tiêu dùng giá rẻ, hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm định chất lượng, hàng nhập lậu càng tràn ngập thị trường Lạng Sơn, tới cả vùng sâu, vùng xa. Cùng với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết, các lực lượng chức năng Lạng Sơn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, chống hàng giả./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực