Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Thứ ba, 21/03/2017 15:52
(ĐCSVN) – Bên lề hội nghị Thượng đỉnh Tài chính toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức sáng 21/3 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với báo chí về sự phát triển của tài chính toàn diện ở Việt Nam trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh:M.P)

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết trong thời gian qua, Chính phủ đã có những hỗ trợ thế nào tới sự phát triển của tài chính toàn diện ở Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Hồng:  Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời gian qua và xem đây là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sắp tới.

Theo đó, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, dự kiến được ban hành vào năm 2020 làm cơ sở để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện. Trong đó, Chính phủ đang tập trung nguồn lực vào nhiều nhiệm vụ quan trọng cho thúc đẩy tài chính toàn diện. Trước hết là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính.

Trong quá trình này, Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, người nghèo nông thôn, phụ nữ…) nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Xây dựng cơ chế điều phối và phối hợp huy động tổng thể nguồn lực triển khai tài chính toàn diện, hiệu quả (các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội, khu vực tư nhân…).

PV: Vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có vai trò như thế nào đối với việc phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng: NHNN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối về xây dựng chiến lược tài chính quốc gia. Vì vậy, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan để tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tài chính toàn diện ở Việt Nam; tích cực tham gia diễn đàn tài chính toàn diện quốc tế, để học hỏi kinh nghiệm.

Đặc biệt, phối hợp có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ để tận dụng nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức này nhằm giúp Việt Nam xây dựng và triển khai tài chính toàn diện. Đồng thời, rà soát và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cần thiết trong hệ thống nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa và cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng xa, vùng sâu còn nhiều khó khăn.

PV: Được biết, Chính phủ và NHNN đang ưu tiên hỗ trợ người nghèo nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, bà có thể điểm qua các chương trình hỗ trợ này?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người nông dân; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”; Quyết định số 1600/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhằm xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có những hỗ trợ như ưu tiên về lãi suất, tăng tỷ trọng dư nợ cho vay...

Các hình thức cho vay cũng được thực hiện đa dạng, như thông qua hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, tổ vay vốn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)...

Thực hiện một số chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù như: Chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp...

Ngoài ra, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm: chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay đối với hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ngành ngân hàng cần dành riêng một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, qua đó khuyến khích khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ trong nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam. NHNN sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xem xét nội dung trên trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn bà!

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực