Tìm giải pháp bình ổn giá thịt lợn cuối năm

Thứ tư, 20/11/2019 14:33
(ĐCSVN) – Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý không đầy hai tháng nữa, trước tình hình giá lợn hơi liên tục tăng mạnh, các bộ, ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp đang tập trung tìm giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá thịt lợn cuối năm.
leftcenterrightdel

Người tiêu dùng nên chuyển sang sử dụng thêm các thực phẩm khác trong dịp
Tết Nguyên đán (Ảnh: K.V)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi vô cùng lớn với 5,88 triệu con, tương đương 337 nghìn tấn thịt lợn phải tiêu hủy. Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, giá lợn hơi tăng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng thông tin chưa chính xác dẫn đến hiện tượng găm hàng chờ giá, gây nên việc khan hiếm nguồn cung giả. Đáng chú ý là, trong khi Cục Thú y báo cáo giá lợn hơi ở mức xung quanh 66.000đ/kg thì hầu hết các tỉnh cho biết, giá đã lên đến 75.000đ/kg. Và với đà tăng như vậy, các doanh nghiệp lo lắng sẽ xảy ra tình trạng nhập lợn ồ ạt vào.

Đặc biệt, nếu không kiểm soát tốt, nhiều hộ chăn nuôi có thể vội vã tái đàn vì giá cao. Trên thực tế là hiện chỉ còn đàn lợn thuộc các doanh nghiệp, trang trại lớn. Còn các vùng chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ cơ bản không còn lợn do dịch tả châu Phi. Để ổn định giá cũng như sản lượng phục vụ thị trường dịp cuối năm, các chuyên gia cho rằng, cần kiểm soát chặt nhập lậu và thận trọng tái đàn ở những vùng đảm bảo an toàn sinh học. Tại các địa phương khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng đang tăng cao, lên tới trên 7 triệu đồng/tạ. Theo đó, từ đầu tháng 11/2019 đến nay, giá lợn hơi tăng cao, hiện giá bán tại các hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là xấp xỉ 7,2 triệu đồng/tạ; có thời điểm, giá lợn hơi lên đến đỉnh 7,4 triệu đồng/tạ. So với thời điểm cuối tháng 10/2019 là khoảng 5,7 triệu đồng/tạ, tuy có khá cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi không còn lợn để bán.

Tại tỉnh Bến Tre, hiện tổng đàn lợn của tỉnh này đã giảm nhiều so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Số lượng lợn khan hiếm do dịch bệnh và bán tháo trước đó đã làm giảm hẳn số lượng hộ nuôi. Tại chợ Bến Tre sáng ngày 19/11/2019, giá thịt ba rọi là 140 nghìn đồng/kg, thịt cốt-lết 120 nghìn đồng/kg, thịt đùi 110 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 30 - 40 nghìn đồng/kg so với tháng 10/2019. Bến Tre là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 536 nghìn con, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm. Đầu tháng 7/2019, xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên đàn lợn 54 con tại hộ ông Nguyễn Văn Tiễn ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện quyết liệt nhưng dịch vẫn lây lan ra tất cả 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đã có trên 1.000 hộ tại 241 ấp, khu phố/83 xã, phường, thị trấn có lợn bị dịch bệnh. Tổng số lợn phải tiêu hủy bắt buộc là 38.551 con với trọng lượng tiêu hủy hơn 1.768 tấn.

Do đàn lợn giảm nhanh, nên giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức rất cao, người nuôi lợn bán lãi khá lớn nhưng thực tế hiện nay nhiều hộ dân đã bỏ chuồng trống nên tổng đàn đã giảm gần 60% so với trước đây. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bến Tre, đàn lợn trên địa bàn tỉnh này chỉ còn khoảng 200 - 250 nghìn con. Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết: Chủ trương chung thời điểm hiện tại không cho nhập giống để tái đàn mà phải đợi xử lý môi trường sạch bệnh. Đồng thời, thực hiện đúng theo khung kịch bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là địa phương cấp xã phải công bố hết dịch tả lợn châu Phi; địa điểm tái đàn phải đủ điều kiện vệ sinh môi trường; khi tái đàn chỉ nuôi 10% so với nhu cầu của hộ dân, trang trại. Sau khi tái đàn 30 ngày, nếu kiểm tra âm tính với dịch tả lợn châu Phi mới cho tiếp tục tái đàn hết 90% còn lại để hạn chế đến mức thấp nhấp việc tái phát dịch tả lợn châu Phi.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn hơi đã tăng giá trở lại, hiện đang ở mức khá cao. Đây là dấu hiệu phấn khởi cho người chăn nuôi lợn ở các địa phương trong khu vực, nhất là sau gần hai năm giá lợn hơi giảm sâu, nhiều chủ trang trại đã phải bỏ trống chuồng nuôi. Thời điểm này, lợn con đang rất được giá, giá tăng cao, khoảng 1,5 triệu đồng/con. Nhiều trang trại phải mua con giống với giá cao từ các địa phương khác. Tại tỉnh Đồng Nai, nơi được mệnh danh là “thủ phủ của lợn”, hiện toàn tỉnh này đã có 5,3 nghìn hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn tiêu hủy gần 442,5 nghìn con, tương đương với trên 23,5 triệu tấn thịt. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tổng đàn lợn giảm hơn 50% và khó tái đàn trong giai đoạn hiện nay nên “cơn sốt giá” thịt lợn chưa biết khi nào hạ.

Gần 1 tháng qua, giá lợn hơi ở tỉnh này mỗi ngày một tăng, một số nơi có thời điểm chạm mốc 70-72 nghìn đồng/kg. Từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), giá lợn hơi có thể lập những kỷ lục mới và sẽ vượt xa hơn rất nhiều con số 80 nghìn đồng/kg như dự báo của ngành công thương tỉnh này vì hiện một số tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi hiện đã gần chạm ngưỡng. Theo người chăn nuôi, với mức giá bán hiện nay, mỗi con lợn có trọng lượng khoảng 100kg, người chăn nuôi đạt lợi nhuận từ 3-3,5 triệu đồng. Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, các địa phương cần làm tốt công tác tái đàn vì việc phục hồi đàn lợn sẽ giải quyết nhiều vấn đề như: bình ổn giá thị trường; tạo việc làm cho hộ chăn nuôi... Tuy nhiên, các trại chăn nuôi chỉ được tái đàn nếu đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học.

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tổ chức họp mặt các chủ trang trại chăn nuôi nhằm đúc kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng dịch để phát triển đàn heo trong thời gian tới. Về giải pháp ổn định thị trường, ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai được khuyến khích tái đàn lợn ở những trại, khu vực đủ điều kiện. Hiện nay, giá lợn hơi tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam nên có hiện tượng thương lái trong nước đưa lợn qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát thị trường.

Về bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán, ngân sách tỉnh này sẽ chi khoảng 62 tỷ đồng để bình ổn các mặt hàng thực phẩm tết. Ngoài ra, nguồn quỹ dự phòng là 30 tỷ đồng cho công tác bình ổn giá. Sở Công thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng thịt gia súc, gia cầm để có căn cứ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh về chương trình bình ổn giá cho sát thực tế hơn. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu, trong danh mục hàng bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán năm 2020 nên ưu tiên những mặt hàng thực phẩm chính, biến động mạnh về giá, nhất là tập trung bình ổn giá thịt lợn vì đây là mặt hàng truyền thống được sử dụng nhiều vào dịp Tết.

leftcenterrightdel

Việc tái đàn lợn tại các địa phương cần tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt,
bảo đảm rõ xuất xứ, nguồn gốc của con giống và vệ sinh chuồng trại...
(Ảnh: K.V)

Theo các chuyên gia dự báo, tình hình còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với hộ chăn nuôi quy mô dưới 50 con. Nguyên nhân rủi ro do lợn hơi tăng giá nhưng vốn đầu tư lợn con, thức ăn cũng đang rất cao trong khi giá cả thị trường biến động tăng - giảm bất thường. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thận trọng khi tái đàn. Đồng thời, định hướng người chăn nuôi tự nguyện tham gia các mô hình kinh tế hợp tác tại địa phương, như liên kết trong chăn nuôi và liên kết với doanh nghiệp thu mua và chế biến để tạo chuỗi giá trị khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định giá cả hàng hóa. Việc tổ chức sắp xếp lại ngành chăn nuôi của các địa phương phải theo hướng liên kết sản xuất lợn theo các tiêu chuẩn sạch, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đeo vòng nhận diện là những yêu cầu bức thiết nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành chăn nuôi lợn tại các địa phương trong thời gian tới./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực