Xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020

Chủ nhật, 24/01/2016 17:57
(ĐCSVN) – Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về chất lượng các văn kiện trình Đại hội XII và một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Nam bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Văn kiện, đặc biệt tán thành với chủ đề Đại hội XII là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đồng chí Trần Văn Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa; đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

“Dựa vào các chủ trương, định hướng của các Nghị quyết được Đại hội XII của Đảng tới đây thông qua, trên cơ sở các mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, chúng tôi sẽ triển khai các Chương trình hành động cụ thể, thiết thực, quyết liệt lãnh đạo và chỉ đạo; chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng tỉnh Bình Dương có bước phát triển toàn diện, bền vững hơn, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại”- Bí thư Trần Văn Nam chia sẻ.

Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh nằm trong thành phố mới Bình Dương thuộc dự án
Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương hiện hữu. Ảnh: Xuân Thi

PV: Bình Dương được biết đến là một trong những tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu kinh tế?

 

Đồng chí Trần Văn Nam: Tỉnh Bình Dương xác định, nhiệm vụ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế là một yếu tố quan trọng gắn với sự phát triển bền vững của tỉnh. Từ nhận thức đó, tỉnh đã có những định hướng, lộ trình thực hiện cụ thể, qua triển khai đã đem lại những kết quả to lớn và toàn diện. Từ những kết quả đã đạt được, chúng tôi đúc kết một số kinh nghiệm:

Trước tiên, đó là sự thống nhất cao về nhận thức và sự nhất quán chủ trương và mục tiêu phát triển chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương; đó là dám nghĩ, dám làm, làm có trách nhiệm và hiệu quả; trong điều hành chủ động xây dựng các chương trình nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; sâu sát, luôn lắng nghe và kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hai là, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận của nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng dự án, chủ trương nhất quán của tỉnh là phải đền bù, giải tỏa sát với giá thị trường, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tái hòa nhập và tham gia lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, sinh sống theo nếp sống đô thị, văn minh trong các khu dân cư đô thị mới với nhiều tiện ích phục vụ ngày càng tốt hơn. Với quan điểm đó, thực tế đến cuối năm 2015 tỉnh Bình Dương đã đền bù, giải tỏa trên 10.000 ha đất sạch và đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ và hiện đại sẵn sàng để tiếp nhận các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Ba là, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhất là bảo đảm tính phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, nối kết thuận lợi với hạ tầng phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong quy hoạch hình thành một số khu công nghiệp chất lượng cao, đảm bảo có hệ thống hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo cung cấp đầy đủ tiện ích phục vụ tạo điều kiện thu hút hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật cao vào địa bàn tỉnh.

Bốn là, quan điểm quy hoạch phát triển của tỉnh là phải mang tính phù hợp và kết nối kinh tế với vùng, ngành để phát triển; phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ và đô thị, 3 mục tiêu này luôn hỗ trợ và tác động thúc đẩy cùng nhau đi lên theo hướng công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Năm là, thực hiện cơ chế huy động, khai thác hiệu quả nhiều nguồn lực: từ nhà nước, các doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, quỹ đất… để tạo thành sức mạnh đầu tư phát triển nhanh hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Sáu là, trong chỉ đạo và điều hành, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là luôn luôn xem những thuận lợi, khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp như là những thuận lợi, khó khăn của tỉnh, từ đó có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; đối với trường hợp vượt thẩm quyền của tỉnh, lãnh đạo tỉnh chủ động kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư của dự án tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đối với bộ máy lãnh đạo của tỉnh.

Bảy là, xây dựng nội dung chương trình và phương thức phối hợp xúc tiến, mời gọi đầu tư như: Nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các đại sứ quán, tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cùng tổ chức các hội thảo mời gọi đầu tư. Từ thực tiễn sinh động, hiệu quả đó đến nay các doanh nghiệp của tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút đầu tư có năng lực, hoạt động hiệu quả.

Tám là, trong quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp cần lựa chọn một số doanh nghiệp chủ lực của địa phương có năng lực, uy tín, kinh nghiệm… để giao làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đó là tiền đề có tính quyết định trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, theo định hướng của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.

Chín là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức, phương thức để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế như: các trung tâm, hệ thống các trường đào tạo; các doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo và tự đào tạo… đó là nguồn nhân lực có chất lượng thiết thực phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp và phát triển công nghiệp dịch vụ của tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương có những “bộ lọc” gì để ngăn chặn các nhà đầu tư lợi dụng chính sách thông thoáng của Việt Nam để trục lợi?

Đồng chí Trần Văn Nam: Kinh nghiệm của Bình Dương nhiều năm qua cho thấy, vấn đề phòng tránh nhà đầu tư trục lợi, điều đầu tiên phải có mối quan hệ, có nhiều thông tin. Bình Dương đã có mối quan hệ với 8 tỉnh, thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thông qua các lãnh sự quán, các tổng lãnh sự; thông qua các hiệp hội doanh nhân của các nước sở tại. Khi thu hút đầu tư, cần hết sức chú ý, mắt thấy tai nghe, thông qua các lãnh sự quán của mình ở nước ngoài. Đó chính là những “bộ lọc” cần thiết để những người lãnh đạo, các cơ quan quản lý, cơ quan thẩm định có thông tin để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách của ta để thực hiện các hành vi xấu.

Thường thì các tập đoàn lớn cũng nắm rất rõ về các thành viên, nên khi làm việc phải thông qua nhiều kênh để thẩm định. Đến nay, về cơ bản, Bình Dương chưa gặp phải những nhà đầu tư lợi dụng chính sách để trục lợi.

PV: Một điểm mạnh nữa của Bình Dương là đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh, đồng chí chia sẻ gì về điều này?

Đồng chí Trần Văn Nam: Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây điều kiện tiên quyết để mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư.

Xuất phát từ thực tiễn của Bình Dương, Đảng bộ tỉnh chú trọng hai hạ tầng đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông và các khu công nghiệp tập trung, gắn với các khu đô thị.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh nên Bình Dương rất chú trọng đến các trục giao thông hướng tâm, giao thông vành đai, kết nối hạ tầng kỹ thuật của tỉnh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Cho đến nay, Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, kết nối với các tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Bộ. Đồng thời, hệ thống đường bộ kết nối các khu công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Ở khu vực đô thị, các tuyến đường phố, đường hẻm được nhựa hóa, bê tông hóa. Ở khu vực nông thôn, đường nhựa đều đến trung tâm xã; nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã hoàn thành nhựa hóa và bê tông hóa các tuyến đường liên ấp, liên xã với chất lượng và tiêu chuẩn cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta còn rất nhiều khó khăn, tỉnh Bình Dương lựa chọn phương hướng phát triển khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư. Bình Dương đã sớm định hướng và quyết tâm xây dựng các khu công nghiệp tập trung với phương châm hạ tầng khu công nghiệp đi trước một bước, đảm bảo phục vụ và thu hút các nhà đầu tư, đã mở ra khả năng thu hút các luồng vốn đầu tư đa dạng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.413 ha, có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 8.870 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600 ha; tỷ lệ lấp kín diện tích cho thuê của các khu công nghiệp đạt 65%, của các cụm công nghiệp là 45%.

Tỉnh đã nhận thức và có quyết sách rõ ràng đầu tư phát triển hạ tầng cần lựa chọn một số doanh nghiệp chủ lực của địa phương (đa phần là các doanh nghiệp nhà nước) có năng lực, uy tín, kinh nghiệm,... để giao làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hệ thống hạ tầng như: giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường...

Vấn đề tạo quỹ đất sạch và cải cách thủ tục hành chính cũng được đặc biệt quan tâm, Bình Dương đã sớm quản lý đất đai theo quy hoạch, ưu tiên việc tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các khu công nghiệp.

Sự phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc gia tăng dân số cơ học và quá trình đô thị hóa là một tất yếu; do đó, quan điểm quy hoạch của tỉnh là gắn phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ và đô thị, 3 mục tiêu này luôn hỗ trợ và tác động thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Song song với hoàn thiện quy hoạch và phát triển đô thị, Đảng bộ tỉnh cũng chú trọng phát triển nông thôn và phân bố các điểm dân cư theo quy hoạch, bảo đảm mỹ quan, môi trường, an toàn giao thông; quy hoạch và cải tạo các làng nghề, các trung tâm dịch vụ nông thôn theo hướng bền vững. Kết quả là đã góp phần quan trọng làm thay đổi về chất của đời sống của người nông dân, chuyển sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ trong các khu công nghiệp và đô thị mới của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương khởi động từ năm 2011 đã thu được những kết quả khả quan về cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đã góp phần đáng kể nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn và giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tại các khu tái định cư cũng được xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tái hòa nhập và tham gia lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, sinh sống theo nếp sống đô thị.

PV: Thực tế hiện nay cho thấy, ở một số địa phương có hiện tượng kêu gọi đầu tư dàn trải, phát triển bằng mọi giá, kể cả nhập công nghệ, máy móc cũ để đầu tư. Vậy, tỉnh Bình Dương ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường và việc sử dụng công nghệ lạc hậu như thế nào?

Đồng chí Trần Văn Nam: Thực tế nhiều năm qua, Bình Dương đã chuyển hướng. Từ việc thu hút đầu tư dàn trải, nghĩa là cứ thu hút vào rồi trong quá trình thu hút, tính toán sàng lọc, tới nay Bình Dương rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề bài cụ thể. Việc này đã thể hiện trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đến việc thực hiện của UBND tỉnh rất ráo riết, quyết liệt.

Nhiều năm qua, tỉnh đã vừa bảo đảm phát triển công nghiệp, đô thị hóa, vừa không thu hút các doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, công nghệ lạc hậu. Bình Dương đã đưa ra những tiêu chí cụ thể là thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng trong sản phẩm cao, ít có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc hạn chế tối đa thu hút đầu tư ở ngoài khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút vào các khu, cụm công nghiệp đã có. Những nhà máy, xí nghiệp ở các khu vực phía Nam của tỉnh có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi yêu cầu chuyển đổi công năng, công nghệ hoặc phải buộc di dời lên phía Bắc. Nhưng việc di chuyển này cũng ưu tiên di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp, kèm theo chuyển đổi công nghệ. Nếu không, vô hình chung, các doanh nghiệp lại mang ô nhiễm môi trường từ nơi này đến nơi khác. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho các nhà máy, xí nghiệp lên phía Bắc và đã làm điều này rất thành công.

Như tôi đã trao đổi, một trong những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của Bình Dương, đó là: Để phát triển bền vững cần phải giải quyết tốt môi trường. Tỉnh Bình Dương rất quan tâm giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường bằng nhiều hình thức, phương thức Nhà nước cùng doanh nghiệp cùng đầu tư, luôn quan tâm công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý môi trường… Nhờ vậy tình hình ô nhiễm môi trường đã từng bước được cải thiện và tiếp tục chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Những dấu ấn nổi bật của tỉnh Bình Dương
- Tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2010-2005 tăng 8,3%/năm. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 101,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỉnh công nghiệp hiện đại, tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
- Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2015 đạt 217 ngàn tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2015 đạt 21 tỷ USD (bằng 12,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Thu ngân sách của tỉnh năm 2015 đạt trên 36.000 tỷ đồng (năm 2000: 1.182 tỷ đồng, năm 2005: 5.399 tỷ đồng, năm 2010 đạt trên 20.437 tỷ đồng).
- Đầu tư phát triển các khu công nghiệp: đến cuối năm 2015, tỉnh đã có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 9.400 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khá cao với gần 65% diện tích đất công nghiệp.
- Tỉnh đã thu hút 2.587 dự án với tổng vốn đầu tư 23,65 tỷ đô la Mỹ, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm trên 52,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh; tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 95% tổng số dự án và 86% tổng vốn đầu tư); đóng góp trên 69,6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh; chiếm 23% tổng thu ngân sách và chiếm 79,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
 

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực