Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: nông thủy sản, công nghiệp chế biến đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, nhóm hàng may mặc tăng cao, đạt 84,3 triệu USD, tăng 23,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 26,9 triệu USD, tăng 34,93%...
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết, hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng hết 4/2018 và tỷ lệ đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chiếm tới 40%. Công ty cổ phần Dệt may Huế, doanh nghiệp duy trì và mở rộng được thị trường tiêu thụ thì sản phẩm và được các đối tác đánh giá cao và lựa chọn; trong đó, đã ký được nhiều đơn hàng giá trị từ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ai Cập…
Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2017, Công ty cổ phần Dệt may Huế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 84 triệu USD, doanh thu 1.672 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động.
Công ty cổ phần Đầu tư dệt may Thiên An Phát, sau Tết Mậu Tuất có 5.000 lao động trở lại làm việc đông đủ. Hai công ty là Công ty cổ phần Sợi Phú Việt, Công ty cổ phần Sợi Phú Mai tạo việc làm cho 600 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có thêm 5 nhà máy may đi vào hoạt động, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Năm 2018, riêng Công ty Scavi Huế thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) tiếp tục xây dựng nhà máy may 4 tại Khu công nghiệp Phong Điền, nâng tổng số chuyền may lên 150, nâng tổng số lao động lên 7.000 người.
Theo ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 6 khu công nghiệp, thu hút 50 doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may đầu tư sản xuất, tổng cộng có tới 300 dây chuyền may và 500.000 cọc sợi. Trong quy hoạch ngành dệt may giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự tính sẽ đầu tư 6.622 tỷ đồng để xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung.
Với diện tích khoảng 400 ha, tại khu công nghiệp Phong Điền hiện có các doanh nghiệp ngành may đến đầu tư như: Công ty Huayan, Công ty Freetex Elastic (Thái Lan)... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, trước mắt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc).
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung phát triển tối đa thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho sự phát triển của ngành; đồng thời, đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang; phát triển ngành gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn.../.