Công chứng giúp giao dịch bất động sản minh bạch

Thứ ba, 14/03/2023 22:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hoạt động công chứng có vị trí rất quan trọng, góp phần đảm bảo cho việc thực hiện các giao dịch bất động sản một cách minh bạch, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan trong giao dịch (đặc biệt là người mua nhỏ lẻ, đối tượng yếu thế), của những người có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới tài sản là đất đai, nhà ở.

Ngày 14/3, tại Hưng Yên, Trường đại học Chu Văn An phối hợp với Hiệp hội công chứng Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của công chứng trong đảm bảo an toàn pháp lý giao dịch bất động sản - Nhìn từ góc độ Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)”

 GS, TS. Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường đại học Chu Văn An (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Theo GS, TS. Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường đại học Chu Văn An (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp), đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bất động sản và đất đai, công chứng, luật cũng như cơ quan nhà nước có liên quan trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến các định chế về giao dịch và hợp đồng liên quan đến bất động sản, vai trò của công chứng trong việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch nói chung và hợp đồng bất động sản nói riêng trong Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản đang được lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo và đông đảo Nhân dân.

Luật sư Nguyễn Thành Luân, Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng đất đai, nhà ở là một loại tài sản đặc biệt quan trọng trong đời sống thường nhật của mỗi con người, do đó, hoạt động công chứng theo đúng nghĩa đúng thực tiễn phát triển của kinh tế - xã hội sẽ góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, tránh các xung đột, tranh chấp trong đời sống dân sự. Cụ thể, công chứng sẽ giúp đảm bảo tính hợp pháp của nội dung các giao dịch, đảm bảo cho việc thực hiện các giao dịch đó là khách quan, trung thực, đúng ý chí của các bên, đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên tham gia giao dịch, tránh nhầm lẫn, sai sót hoặc các sai lệch khác có khả năng dẫn đến hợp đồng vô hiệu hoặc vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc công chứng sẽ nâng cao giá trị chứng minh của chứng cứ khi có tranh chấp bởi vì văn bản công chứng có sự tham gia của cơ quan công chứng, việc chứng nhận của công chứng viên, các thỏa thuận giao dịch các bên, đã được công chứng viên thực hiện một loạt các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, vận dụng các kiến thức pháp luật hiện hành để khẳng định bằng chữ ký, chức danh và con dấu.

Trong khi đó, Ths. Trần Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận định thời gian qua biện pháp đăng ký hợp đồng mẫu tỏ ra chưa hiệu quả, do đó, có thể cân nhắc lựa chọn thiết chế công chứng vào một số giai đoạn khi tiến hành giao dịch bất động sản (ví dụ, công chứng có thể cùng rà soát, xem xét các hợp đồng mẫu khi công ty kinh doanh bất động sản đăng ký với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, công chứng tham gia vào quá trình đánh giá các điều kiện của bất động sản khi đưa vào giao dịch…). Tất nhiên, điều này có thể khiến phát sinh một số chi phí nhất định song điều quan trọng nhất là đảm bảo được tính pháp lý an toàn cho các bên tham gia.

“Cần rà soát kỹ hơn yếu tố đồng bộ giữa Luật kinh doanh bất động sản với một số luật liên quan trực tiếp đang cùng được xây dựng như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, Luật Giao dịch điện tử..., qua đó có thể so sánh, đối chiếu và đồng bộ các quy định có liên quan đến giao dịch kinh doanh bất động sản”, Ths Trần Đức Long chia sẻ.

Nhấn mạnh Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang nổi lên hai vấn đề lớn nhận được nhiều ý kiến từ công chúng bao gồm: các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản và các giao dịch bất động sản không bắt buộc phải công chứng, công chứng viên Phạm Văn Vĩnh, Trưởng Văn phòng công chứng Phạm Văn Vĩnh (tỉnh Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội công chứng viên tỉnh Hải Dương cho rằng thực tiễn cho thấy có nhiều bất cập và hoạt động của các sàn giao dịch đã diễn ra không theo như dự tính của Quốc hội.

Chúng ta đã và đang phải tốn công sức, tiền bạc để giải quyết hậu quả nặng nề từ những sai phạm nghiêm trọng trong việc cung cấp thông tin, thẩm định tình trạng pháp lý của các bất động sản giao dịch qua sàn, hợp đồng, thủ tục giao dịch qua sàn, các vi phạm về “thổi giá” hay “làm giá”.

Do đó, nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch bất động sản, và công chứng là một giải pháp hữu hiệu nhất tại thời điểm này thông qua năng lực chuyên môn của công chứng viên, kiến thức pháp luật cũng như kinh nghiệm của họ.

Hội thảo là cơ hội để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành, cũng như nâng cao tính hiệu quả, thực tiễn của công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo lĩnh vực pháp luật và thực tiễn hành nghề công chứng.

Các đại biểu cũng thảo luận kinh nghiệm một số nước trên thế giới về vai trò của công chứng đối với hợp đồng giao dịch bất động sản, trên cơ sở đó báo cáo của Hội thảo sẽ được gửi đến Ban soạn thảo Dự thảo Luật, đóng góp vào việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật để trình Quốc hội./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực