Hướng dẫn “hoạt động pháp luật chỉ cần đăng ký doanh nghiệp” là không hợp pháp

Thứ ba, 20/08/2019 21:21
(ĐCSVN) - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nội dung không hợp pháp tại điểm b mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD; có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nêu trên gây ra.

Trước đó, ngày 07/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh để hướng dẫn về đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động pháp luật”.

Trong đó, hướng dẫn “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” (điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD).

 

 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TL.


Nội dung này nhận được sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là giới luật sư, làm dấy lên lo ngại tình trạng không cần đào tạo về luật, luật sư, không cần tập sự hành nghề… vẫn có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp đã kiểm tra Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD.

Theo đó, căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL kết luận:  

Nội dung hướng dẫn: “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD không phù hợp với quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cụ thể, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật thuộc phạm vi hành nghề luật sư (Điều 4, Điều 22); cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (Điều 92).

Theo Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) thì “Hành nghề luật sư” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó (Điều 3).

Tại điểm đ Mục 3 Nghị quyết số 65/2006/QH11 quy định: “Trong thời hạn sáu tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật này; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động”.

Ngoài ra, tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD quy định: “các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” phải tuân thủ quy định này, ít nhất là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, có tính chất quy phạm pháp luật (QPPL) bằng Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Từ các quy định đã dẫn nêu trên cho thấy, “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” khi được cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký là ngành nghề kinh doanh thì thuộc phạm vi hành nghề luật sư và là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh ngành nghề đại diện, tư vấn pháp luật phải đáp ứng điều kiện hành nghề luật sư; trường hợp Luật Luật sư có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật Luật sư.

Vì vậy, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn “cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD là không hợp pháp.

Để đảm bảo tính hợp pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nội dung không hợp pháp tại điểm b mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD; rà soát quá trình thực hiện Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có)./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực