|
Hội thảo “Mười năm lan tỏa những giá trị cơ bản của Hiến pháp 2013”. Ảnh: TH. |
Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 có giá trị lớn với cả dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, Hiến pháp đã được ban hành 10 năm nên Trường tổ chức Hội thảo để nhìn lại những giá trị lớn của Hiến pháp đã lan tỏa như thế nào trong đời sống.
Theo đó, những giá trị lớn là chúng ta đã đề cao, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp, đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, chúng ta bảo đảm Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp quy định ở ngay Chương II, nêu rõ Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không những ghi nhận các quyền mà toàn bộ Hiến pháp là cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
"Nhìn chung, những giá trị trên rất tuyệt vời, đã lan tỏa và đưa đất nước ta phát triển như ngày nay, cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm thực hiện Hiến pháp trong thời gian tới", GS.TS Hoàng Thế Liên khẳng định.
Trình bày tham luận “Những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013”, GS.TS Võ Khánh Vinh - Cố vấn Ban Giám hiệu Trường Đại học Chu Văn An cho biết, pháp quyền là giá trị quốc gia mới, được tiếp nhận từ giá trị pháp quyền của nhân loại, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính mục tiêu, mang tính phương thức của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong toàn bộ tinh thần, nội dung của Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Cũng theo GS.TS Võ Khánh Vinh, quyền con người, quyền công dân là giá trị quốc gia mới, được hình thành, phát triển và phát huy trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính bản chất, mục tiêu, nội dung của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, đặc biệt trong Chương II.
Tại hội thảo, nhiều phát biểu tham luận khác, tiêu biểu như: TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC... đã bổ sung thêm những luận điểm làm rõ quan điểm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đề ra định hướng xây dựng hệ thống pháp luật./.