Việt Nam quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy việc thực thi các quyền con người

Thứ ba, 19/11/2024 15:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BTC) 

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (gọi tắt là Quyết định 1252), ngày 19/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 1252 tại tỉnh Hà Nam.

Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đồng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của nhiều tỉnh, thành trên địa bàn cả nước…

Mục đích của Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1252 sau 05 triển khai thực hiện nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo, qua đó giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với tình hình mới.

Trong bối cảnh Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) lần thứ 4 dự kiến vào tháng 7/2025 tới đây, Hội nghị là cơ để Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các nội dung phục vụ cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định 1252, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo. Hội nghị cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý giá từ các góc nhìn khác nhau để giúp Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ khẳng định, Công ước ICCPR là một trong 2 công ước cốt lõi trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người, cùng với Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới hợp thành Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất qua việc Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị. Điều này thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, việc tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Chỉ đạo Nhân quyền nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng với cương vị đơn vị chủ trì việc thực thi Công ước và xây dựng Báo cáo quốc gia để bảo vệ trước Ủy ban Nhân quyền trong năm 2025.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BTC)

Tiếp nối các hoạt động phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR trong những năm trước đây, Hội nghị lần này do Bộ Tư pháp và Văn phòng Thường trc Ban Chỉ đạo về Nhân quyền đồng chủ trì tổ chức là dịp để các bộ, ngành và địa phương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ của nêu trong Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR gồm: nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục đào tạo; hợp tác quốc tế và thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo Công ước. Bên cạnh đó, chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay của các đơn vị, địa phương nhằm bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền dân sự và chính trị của người dân.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là bản chất tốt đẹp của chế độ ta, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thành tựu quyền con người gần 40 năm qua đã cho thấy mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là vì con người, cho con người, coi con người là trung tâm và chủ thể thụ hưởng thành quả phát triển.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, trong bối cảnh chúng ta đang tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, trong đó khẳng định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, việc tổ chức Hội nghị lần này là rất cần thiết để chúng ta tiếp tục quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy việc thực thi các quyền con người, đặc biệt là các quyền dân sự và chính trị./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực