Đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội

Thứ sáu, 15/11/2024 15:18
(ĐCSVN) - Những đổi mới ở các phiên chất vấn của nhiều khóa, nhiều kỳ và mới đây tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV đã gợi mở sự cần thiết phải đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn của Quốc hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lên một tầm cao mới.

Hoạt động chất vấn là một hình thức giám sát tối cao, trực tiếp và thường xuyên của Quốc hội nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức giám sát có hiệu lực, hiệu quả cao và thiết thực nhất.

Những kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8

Nhìn từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, có thể thấy, về công tác chuẩn bị của Quốc hội , từ kiến nghị của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và từ kết quả giám sát của các cơ quan Quốc hội và Quốc hội, trên cơ sở chọn lọc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội đã nhất trí cao, xác định 3 nhóm vấn đề gồm 10 vấn đề cụ thể “bức xúc của bức xúc” để tiến hành chất vấn. Trong đó, có những vấn đề cụ thể cực kỳ khẩn thiết như: Hỗ trợ vốn vay và miễn, giảm lãi suất để người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, sau thiên tai tàn phá nặng nề; Vấn đề khám, chữa bệnh, bảo đảm có thuốc cho người dân sau dịch bệnh, thiên tai; phòng chống tác hại của thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...) trong môi trường học đường; Chất lượng hoạt động của báo chí trong giai đoạn bùng nổ truyền thông mạng xã hội và chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do xác định chính xác những vấn đề “cấp bách của cấp bách” đã làm cho hoạt động chất vấn luôn luôn sôi động.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Chủ tọa phiên chất vấn điều hành nhịp nhàng, giữ vững nguyên tắc và linh hoạt trong những tình huống cụ thể. Tất cả các loạt câu hỏi về cơ bản mỗi loạt chỉ 3 đại biểu chất vấn. Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có 12 loạt chất vấn thì chỉ có 1 loạt trên 3 chất vấn. Tương tự như vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế có 1 trên 10 và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có 1 trên 11 loạt chất vấn quá 3 chất vấn. Những loạt chất vấn quá 3 chất vấn (thường từ 4 đến 6 chất vấn) là những loạt chất vấn trước khi giải lao giữa giờ hoặc cuối ngày (sẽ tiếp tục ngày hôm sau), người bị chất vấn có thời gian dài để chuẩn bị. Nhờ điều hành nhịp nhàng, giữ vững “nguyên tắc” Nội quy Kỳ họp, “căn” đúng thời gian và linh hoạt trong những trường hợp cụ thể mà hoạt động chất vấn sôi động nhưng không quá căng thẳng. Đặc biệt, Chủ tọa nhận xét, đánh giá rất khách quan, tóm lược những ưu điểm căn bản, đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm, thiếu sót, thậm chí là “góc khuất cần lưu ý” của mỗi lĩnh vực để tiếp tục hoạt động đem lại hiệu quả cao hơn ở mỗi bộ, ngành.

Về phía người bị chất vấn, có thể thấy, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều nắm chắc diễn biến tình hình của ngành, của lĩnh vực; thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong phạm vi quản lý, điều hành công việc. Do tuyệt đại bộ phận các loạt chất vấn chỉ có 3 câu hỏi, mỗi câu thường chỉ một ý nên người bị chất vấn đã trả lời đầy đủ tất cả các chất vấn của đại biểu. Bên cạnh những trả lời có tính chất định tính, cả 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành đều có những dẫn liệu định lượng cần thiết để chứng minh cho những chất vấn cần đến số liệu; trả lời thẳng thắn, trung thực, rõ tình hình, rõ giải pháp với tinh thần cầu thị cao.

Nhiều cử tri theo dõi hoạt động chất vấn nhận thấy, lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành là rất đúng với yêu cầu thực tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rõ, giữ vững 3 chỉ số quan trọng để bảo đảm an toàn cả hệ thống gồm lãi suất, tỷ giá và tín dụng là cực kỳ quan trọng; trong đó phải chống cho được “vàng hóa”, “đô la hóa” nền kinh tế; phải quản lý tốt thị trường vàng, giữ được tỷ giá hợp lý và tiếp tục cho vay để sớm khôi phục sản xuất kinh doanh là trách nhiệm lớn lao của toàn ngành. Bộ trưởng Bộ Y tế thiết tha kiến nghị, phải cấm ngay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, được đông đảo cử tri đồng tình, hưởng ứng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần hứa và nhận trách nhiệm về mình, hơn thế nữa sau trả lời chất vấn sẽ đến ngay khu dân cư có mật độ trạm phát sóng dày đặc, công suất lớn để kiểm tra tại chỗ...

Có một điểm trùng hợp của cả 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành, đó là lĩnh vực nào cũng có yêu cầu hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các luật, các nghị định, các thông tư hiện hành. Điều đó một lần nữa chứng tỏ, tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp luật đang là vấn đề cấp bách.  

Những vấn đề cần đổi mới

Đương nhiên, mỗi kỳ hoạt động chất vấn song song với mặt được thì vẫn còn những vấn đề cần hoàn thiện, phải đổi mới để phát triển.

“Thông lệ”, một nhiệm kỳ có 11 kỳ họp thì kỳ họp thứ nhất, chủ yếu làm công tác bộ máy và nhân sự; kỳ họp thứ 11, chủ yếu tổng kết hoạt động của cả nhiệm kỳ nên không có hoạt động chất vấn. Theo Điều 15 Luật hoạt động giám sát của Quốc hôi và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật hoạt động giám sát) thì có hai loại hình hoạt động chất vấn. Đó là, hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề tại 7 kỳ họp và hoạt động chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 6 và cuối nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 10). Để tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội thì rất cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát về Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Sửa đổi việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn:

Trước hết, cần lưu ý rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành, gồm rất nhiều lĩnh vực trong một bộ. Và một trong những phương châm hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề. Nếu xác định nhóm vấn đề mà có nội hàm quá rộng, gồm nhiều vấn đề lớn thì chất vấn sẽ rời rạc, trả lời sẽ tản mạn, trong thời lượng hạn hẹp rất khó có thể mỗi vấn đề đều đi đến tận cùng. Để lựa chọn tốt nhóm vấn đề chất vấn, ở khoản 2 Điều 15 Luật hoạt động giám sát (hiện hành) khi sửa đổi, bổ sung nên quy định một số nguyên tắc để UBTVQH và Quốc hội lựa chọn:

Nguyên tắc 1 là, số lượng nhóm vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn (thực tế một số kỳ hoạt động chất vấn cho thấy, thời lượng dành cho một chức danh, thấp nhất là 150 phút; cao nhất tới 220 phút; trung bình là 180 phút). Chủ tọa cần điều hành sao cho các chức danh trả lời chất vấn có được thời lượng tương đương nhau. Nội dung nhóm vấn đề chất vấn phải được xử lý gọn trong khung giờ đó.

Nguyên tắc 2 là, các vấn đề được lựa chọn chất vấn đối với mỗi chức danh bị trả lời chất vấn chỉ trong một hoặc hai lĩnh vực (ví dụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn thì không nên một lần mà chất vấn tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới...);

Nguyên tắc 3 là, lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Ở khoản 8 Điều 15 về hoạt động chất vấn tổng thể có thực trạng là, thường sau nửa nhiệm kỳ chất vấn theo nhóm vấn đè thì gần như toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội đều đã được đưa lên bàn nghị trường, nên khi tái chất vấn tổng thể thì không khác gì thảo luận kinh tế - xã hội. Sôi nổi thì có, nhưng có phần tản mạn, rời rạc do nội dung các chất vấn khác biệt nhau xa (Ở khóa XIV, lần chất vấn tổng thể cuối cùng, loạt đại biểu chất vấn thứ 13 có 7 đại biểu hỏi thì 7 nội dung hoàn toàn cách biệt nhau, đó là: trồng cây trái có múi ở miền Trung; gỡ thẻ vàng khai thác hải sản IUU; phòng, chống Covid-19; người chịu trách nhiệm về thủy điện Đắc Min; chi ngân sách cho khoa học nông nghiệp; điện lưới địa phương; và nguồn lực cho chính sách dân tộc). “Chất” nào thì “Vấn” đó, nội dung khác nhau thì người trả lời khó có thể diễn giải thấu tình, đạt lý trong điều kiện 3 phút cho một chất vấn. Để nâng cao chất lượng Vấn và Đáp trong chất vấn tổng thể thì cần hệ thống hóa, phân loại các vấn đề trong các Nghị quyết và trong các chuyên đề đã giám sát theo lĩnh vực và lựa chọn một số vấn đề theo các tiêu chí:

- Là những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước, chi phối mạnh đến sản xuất và đời sống xã hội mà người bị chất vấn đang phải đảm trách;

- Là những vấn đề bức xúc nhưng dư luận cho rằng thời gian đã lâu mà ít có chuyển biến tích cực;

- Là những vấn đề liên bộ, liên ngành thường bị “bỏ trống trận địa”.

Các tiêu chí này cần được bổ sung vào khoản 8 Điều 15 nói trên.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu chất vấn trong hoạt động chất vấn:

Luật hiện hành mới chỉ quy định trình tự chất vấn và trả lời chất vấn, mà chưa quy định nội dung và trách nhiệm của đại biểu có quyền chất vấn.

Đối với đại biểu chất vấn, tại điểm a/ Khoản 3 Điều 15 đã quy định “Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể”. Luật quy định rất cô đọng, nhưng từ thực tiễn hoạt động chất vấn nhiều khóa, cho thấy, cần được nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của đại biểu tham gia hoạt động chất vấn. Vì rằng, thực tế có trường hợp mới nghe láng máng, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo đã chất vấn, nội dung chất vấn khác xa với sự thật được trả lời, gây bức xúc dư luận xã hội (khi tường thuật trực tiếp). Lại có trường hợp thiếu thông tin cần thiết về một lĩnh vực nên đại biểu sử dụng “chất vấn” để lấy thông tin bằng cách chất vấn ra ngoài nhóm vấn đề chất vấn để Chủ tọa điều hành yêu cầu người bị chất vấn trả lời bằng văn bản, và như thế là thu thập được một thông tin “giấy trắng, mực đen” chính thống! Lại có trường hợp, câu chất vấn không thuộc phạm vi lãnh đạo, điều hành của người bị chất vấn...

Các trường hợp này đều không đúng với nội hàm chất vấn mà Luật Hoạt động giám sát đã quy định tại khoản 7 Điều 2, đó là, “Chất vấn là việc đại biểu nêu vấn đề thuộc trách nhiệm (của những người trả lời chất vấn) và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu”. Bởi vậy, Luật sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần quy định những yêu cầu đối với nội dung câu chất vấn và quy định rõ trách nhiệm của đại biểu đối với câu chất vấn. Yêu cầu đó là: Đại biểu phải nắm vững phạm vi quản lý, điều hành, trách nhiệm quản lý nhà nước của người bị chất vấn để gửi câu chất vấn. Nội dung câu chất vấn phải đúng thực trạng và đúng trách nhiệm của người bị chất vấn. Cấu trúc câu hỏi phải bảo đảm, người bị chất vấn phải trả lời đúng ý đại biểu hỏi (không có cơ hội nói việc khác để lãng tránh nội dung hỏi) và phải gắn chặt với trách nhiệm của người bị chất vấn.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hoạt động chất vấn:

Điều 15 và 26 Luật hiện hành đã quy định, đại biểu được phép mang vật chứng tới phiên chất vấn. Về quy định này, ở Quốc hội thì chưa có, nhưng ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đã có một số trường hợp, trong đó có trường hợp mang nước kênh rạch bị ô nhiễm xú uế vào hội trường để chứng minh cho chất vấn của mình. Đề nghị sửa quy định này là chỉ mang phim ảnh, video clip, còn vật chứng thì phải có điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, không có khả năng phát tán dịch bệnh nguy hiểm, làm ô nhiễm nơi cơ quan dân cử làm việc.

Quyền tranh luận là vấn đề mới xuất hiện, là “đặc sản” của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và XV. Tác dụng tích cực của tranh luận đã được thừa nhận. Riêng trong hoạt động chất vấn chỉ được tranh luận giữa đại biểu có chất vấn với chức danh bị chất vấn (khác với trong thảo luận kinh tế - xã hội, thảo luận xây dựng luật và thảo luận các dự án, đề án khác... là giữa các đại biểu có thể tranh luận với nhau). Vì vậy, cũng nên “luật hóa” quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội trong thảo luận, trong đó có quyền tranh luận trong hoạt động chất vấn...

Chúng ta hy vọng, việc sửa đổi, bổ sung hoạt động chất vấn trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ đem lại hiệu lực và hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa, góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và của đất nước./.   

TS Bùi Ngọc Thanh (Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực