Giảm tử vong trẻ em ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 14/10/2015 11:09

(ĐCSVN) - Năm 2015, Việt Nam cùng với 189 quốc gia đã cùng ký cam kết phấn đấu đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000. Đó là những mục tiêu cao cả, vì quyền con người và được cả nhân loại nỗ lực để đạt được. Trong đó, Mục tiêu số 4 (MDG4) là giảm tử vong trẻ em, cụ thể, đến năm 2015, sẽ giảm 2/3 số ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi so với năm 1990.

 

Cần hỗ trợ thiết lập các đơn nguyên sơ sinh ở tuyến tỉnh, huyện. Ảnh: ĐP

Thành tựu và hạn chế

Được sự hỗ trợ của UNICEF, Tổng cục thồng kê đã tiến hành cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS 2014). Một trong những nội dung được đề cập đến trong báo cáo MICS 2014 là tình hình thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Báo cáo đã phản ánh khá sắc nét những kết quả chính như sau:

Tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm mạnh nhưng vẫn còn cao so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới

Kết quả của MICS 2014 cho thấy tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 5 năm trước điều tra đã giảm mạnh xuống còn 19,7‰, gần đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2015 là 19,3‰. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trong giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra là 16‰, gần đạt được mục tiêu đề ra là 14,8‰ vào năm 2015.

Mặc dù so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, mức độ tử vong trẻ em ở Việt Nam đã được cải thiện nhiều hơn, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan (13‰), Malaysia (9‰), Singapore (3‰)1.

Tốc độ giảm tử vong trẻ em có xu hướng chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây

Tuy tỷ suất tử vong trẻ em vẫn tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại khá nhiều so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi bình quân là 0,6‰ mỗi năm, tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, tốc độ giảm bình quân chỉ còn 0,23‰ mỗi năm. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi có tốc độ đã giảm từ 1,4‰ bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1990 - 2010 xuống còn 0,15‰ mỗi năm trong giai đoạn vừa qua.

Vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về tử vong trẻ em giữa các vùng miền, giữa nhóm Kinh/Hoa và các dân tộc thiểu số

Kết quả điều tra MICS cũng cho thấy vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, giữa các nhóm đối tượng. Ở khu vực nông thôn, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở mức 21,5‰, cao gấp 1,5 lần khu vực thành thị (15,7‰). Tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 47,5‰, cao gấp 6,5 lần so với khu vực thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất ở nhóm dân tộc thiểu số là 53‰, cao gấp khoảng 4 lần so với nhóm Kinh/Hoa.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở nhóm có mẹ chưa học xong tiểu học là 85‰, cao gấp trên 4 so với nhóm có mẹ trình độ học vấn từ tiểu học trở lên. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ em ở nhóm 40% hộ nghèo nhất là 31,53‰, cũng cao hơn nhiều so với nhóm 40% số hộ nghèo nhất (11,76%)

Tử vong sơ sinh vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong số tử vong trẻ em

Theo kết quả từ báo cáo MICS 2014, tỷ suất tử vong sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) trong giai đoạn 5 năm trước điều tra là 11,95‰. Như vậy, bình quân mỗi năm ở Việt Nam vẫn có khoảng 16.000 đến 18.000 sơ sinh bị tử vong, chiếm khoảng 75% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và khoảng 60% số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy điều tra MICS 2014 không phân tích được tỷ lệ chết sơ sinh sớm trong 7 ngày đầu nhưng một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy tỷ suất tử vong sơ sinh trong tuần đầu chiếm tới 72% tử vong sơ sinh3. Đặc biệt, nhiều yếu tố liên quan đến tử vong sơ sinh cũng được chỉ ra trong báo cáo MICS 2014, cụ thể:

Tỷ suất tử vong sơ sinh ở trẻ nam là 14,69‰, cao hơn nhiều so với trẻ nữ là 8,99‰. Có lẽ cần nghiên cứu nhiều hơn để lý giải về sự liên quan giữa tử vong sơ sinh và giới tính thai nhi.

Tuổi của người mẹ lúc sinh con cũng ảnh hưởng lớn đến tử vong sơ sinh, tỷ suất tử vong sơ sinh ở nhóm mẹ có độ tuổi dưới 20 và từ 35 trở lên lần lượt là 25‰ và 27‰, trong khi đó tỷ suất tử vong sơ sinh ở nhóm mẹ có độ tuổi từ 20-34 chỉ xấp xỉ 9‰.

Tỷ suất tử vong sơ sinh ở nhóm trẻ là con thứ tư trở lên là trên 55‰, cao hơn rất nhiều so với nhóm con thứ ba trở xuống (dưới 11,5‰).

Khoảng cách giữa các lần sinh sinh cùng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tử vong sơ sinh. Tỷ suất tử vong sơ sinh ở nhóm có khoảng cách so với lần sinh trước dưới 2 năm là 28,1‰, cao hơn nhiều so với nhóm có khoảng cách với lần sinh trước 2 năm là 16,8‰, 3 năm là 14,7‰, 4 năm trở lên là 11,4‰.

Nguyên nhân của những hạn chế

Trong các giai đoạn trước đây, tử vong trẻ em ở Việt Nam giảm nhanh là do chúng ta đã có những bước đột phá trong công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như tiêu chảy, viêm phổi…, bên cạnh đó, công tác quản lý thai nghén, chăm sóc thai sản và phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cũng có nhiều thành tựu vượt bậc.

Tốc độ giảm tử vong trẻ em chậm lại trong những năm gần đây chủ yếu là do những nguyên nhân xảy ra trong giai đoạn sơ sinh, như sơ sinh nhẹ cân, non tháng, sơ sinh bệnh lý (ngạt sơ sinh, nhiễm trùng, vàng da nhân xám, xuất huyết não, màng não, dị tật bẩm sinh)… Bên cạnh đó, mức độ tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Những nguyên nhân này đòi hỏi phải có những can thiệp vừa có chiều rộng về độ bao phủ, vừa có chiều sâu về chuyên môn, kỹ thuật mới có thể khắc phục được.

Trước đây, công tác truyền thông tập trung nhiều vào việc áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm sự gia tăng về số lượng dân số. Đến nay, khi đã đạt được mức sinh thay thế bền vững trong nhiều năm, công tác truyền thông cần chuyển hướng sang việc nâng cao chất lượng dân số như dự phòng và điều trị nhằm giảm tỷ lệ sơ sinh dị tật, sơ sinh nhẹ cân, non tháng, phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em…

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

 

 Tăng cường theo dõi, , chăm sóc, hỗ trợ sản phụ ngay trong lúc mang thai. Ảnh: ĐP


Để tiếp tục giảm được tử vong trẻ em trong thời gian tới, bắt kịp được các nước tiên tiến trong khu vực, đồng thời thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, cần tăng cường vận động chính sách và nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em.

Tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Huy động sự tham gia của các thành viên trong gia đình và cộng đồng vào công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình: không nên sinh nhiều con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh từ 3 năm trở lên, không nên sinh con trước tuổi 20 và sau tuổi 35 để làm giảm nguy cơ dị tật và tử vong của trẻ sơ sinh.

Triển khai rộng rãi sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc liên tục từ khi mang thai, khi sinh, chăm sóc sơ sinh và trẻ nhỏ. Duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quản lý thai nghén, phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ.

Đào tạo và công nhận đội ngũ cán bộ y tế đạt tiêu chuẩn người đỡ đẻ có kỹ năng (SBA) khu vực ASEAN. Đào tạo và hỗ trợ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số hoạt động tại những vùng đặc biệt khó khăn, nơi tập quán không đi khám thai và không đến đẻ tại cơ sở y tế còn phổ biến.

Thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu (Early Essential Newborn Care - EENC) theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới tại tất cả các cơ sở y tế có đỡ đẻ, trong đó chú trọng việc cho trẻ tiếp xúc da kề da và bú mẹ ngay sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng bằng phương pháp Kanguru, hồi sức sơ sinh ngạt.

Hỗ trợ thiết lập các đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện tuyến tỉnh/huyện có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực lực để chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý. Nâng cao chất lượng công tác chuyển tuyến sơ sinh và trẻ em, hỗ trợ các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn thành lập các nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng.

Bổ sung viên sắt và axit folic cho phụ nữ có thai, đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm dự phòng và phát hiện sớm dị tật bẩm sinh. Thực hành thường quy việc tiêm vitamin K1 cho 100% trẻ sơ sinh ngay sau đẻ nhằm dự phòng xuất huyết não, màng não. Tiếp tục triểm khai rộng rãi quy trình Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới tại cộng đồng và tất cả các cơ sở y tế.

Làm tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em thông qua việc thực hiện mô hình “ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn cho trẻ em”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực