Kiên cường hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Chủ nhật, 15/03/2020 20:00
(ĐCSVN) - Thành lập ngày 5/1/2001, Đội K52 (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai) được giao thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở 3 tỉnh Ratanakiri, StungTreng, Preah Vihear (Vương quốc Cam-pu-chia) và quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước.

Địa bàn đơn vị đảm nhiệm rộng; địa hình phức tạp, nhiều sông suối, chủ yếu rừng rậm, hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn, mộ liệt sĩ nằm rải rác, xa khu dân cư, khó phát hiện; có những nơi phải vượt qua suối sâu, đi bộ hàng chục km đường rừng, vừa đi vừa mở đường, gùi cõng trên vai lương thực, thực phẩm, dụng cụ, quân tư trang mới vào tới vị trí quy tập.

Trải qua thời gian dài, địa hình biến dạng, thay đổi, rất khó xác định những địa điểm mai táng liệt sĩ trước đây. Mùa khô trên đất bạn nắng cháy da, nhiệt độ trung bình 38 - 40 độ C, đầu mùa mưa thường xuất hiện lũ ống, lũ quét, có nơi còn nhiều bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.

Mặc khác, do bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán, giá cả lương thực, thực phẩm đắt đỏ đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ. Vượt lên mọi trở ngại, chuẩn bị chu đáo, bền bỉ với các chuyến đi, không ít vị trí đơn vị phải đào đến ba lần, trên một sườn đồi rộng và sâu tới gần 2m để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Cẩn trọng trong từng mũi xẻng, nhát cuốc, nhặt từng mẩu xương, chiếc cúc áo, thắt lưng,… rồi gói ghém cẩn thận. Nhiều lúc tìm thấy hài cốt liệt sĩ nhưng tên tuổi không có, chỉ còn lại chiếc lược, vòng tay và những chiếc lưỡi câu trong túi áo, ai cũng bùi ngùi xúc động, rồi lặng lẽ hương khói, đưa về nơi tập trung.

Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ trở về Việt Nam. 

Đối với các thành viên Đội K52, giây phút thiêng liêng, hạnh phúc nhất của các anh là tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Bao mệt nhọc dường như tan biến, ai cũng mừng đến rơi nước mắt, bởi lại có thêm liệt sĩ sắp được trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương. Có lần xác định được vị trí hài cốt liệt sĩ đang nằm dưới móng nhà của người dân Cam-pu-chia, dù phải mất nửa tháng tuyên truyền vận động để thỏa thuận di dời nhà và đền bù, các anh cũng quyết tâm làm cho kỳ được. Lần khác, trên đường trở về doanh trại, gặp mưa bất ngờ, không ai bảo ai, dành chiếc áo mưa duy nhất che chắn cho hài cốt liệt sĩ. 

 Quân số có hạn, trong khi địa bàn tìm kiếm rộng, xác định “Ngàn ngày gian khổ không bằng một giọt máu đào các liệt sĩ đổ xuống”, ngay từ khi còn ở trong nước, Ban chỉ huy Đội K52 đã tích cực, chủ động đề xuất với Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, liên hệ với các đơn vị, các CCB đã chiến đấu trên đất bạn để thu thập hồ sơ, tư liệu trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sĩ. Từ đó, bác Hữu, một CCB quê Quảng Ngãi bị cụt 2 chân, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 95 và nhiều CCB khác ở khắp mọi miền Tổ quốc vẫn lặn lộn qua tận nước bạn đi tìm liệt sĩ với đơn vị.

Cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định trong quá trình đưa hài cốt liệt sĩ về nơi tập trung.

Đội còn chú trọng giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân nước bạn để tranh thủ sự giúp đỡ tìm kiếm thông tin, phát phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia đến tận các hộ gia đình. Trên cơ sở nguồn thông tin có được, tổ chức phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị cần thiết, nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền đạt kinh nghiệm tác nghiệp, rèn luyện sức khỏe, thể lực cho bộ đội.

Với chủ trương “Làm công tác quy tập ở đâu thì làm tốt công tác dân vận ở đó”, 5 năm qua, đội đã khám chữa bệnh, cấp thuốc cho hơn 5.000 lượt người dân Cam-pu-chia, sơ cấp cứu nhiều ca tai nạn giao thông…; ngoài ra, còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở cả hai bên biên giới tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chống các hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh kịp thời, làm thất bại những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia. Hiện nay Đội di chuyển đến đâu, nhân dân nước bạn vẫn tìm ra cách để liên lạc khi phát hiện có mộ liệt sĩ. 

An táng hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Cam-pu-chia về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Thượng tá Nguyễn Xuân Toản, Đội trưởng Đội K52 khẳng định, công việc các anh đang làm rất đỗi nặng nề nhưng vô cùng vinh quang. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã rút ra “Quy luật chôn cất, mai táng” hoặc “Tìm mộ thứ hai trở lên khi xác định được mộ thứ nhất”, sáng kiến “đào hào theo hình chữ chi”, “dùng thuốn thăm dò”... nhằm giảm thời gian, công sức khai quật và không bỏ sót mộ liệt sĩ.

 5 năm (2015-2020), qua 5 mùa khô tìm kiếm và quy tập, Đội K52 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tổ chức nhiều lần khảo sát trên 400 buôn làng, 140 xã, 22 huyện thuộc 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear; cơ động hàng nghìn km, tìm kiếm cất bốc, hồi hương được 138 liệt sĩ ở Cam-pu-chia về nước (trong đó có 1 liệt sĩ có tên và địa chỉ) và 137 liệt sĩ trong nước. Quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị bảo đảm an toàn về mọi mặt, cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật dân vận, kỷ luật quan hệ quốc tế. Chủ động phối hợp với lực lượng của bạn lập kế hoạch bảo vệ trong khi làm nhiệm vụ quy tập và vận chuyển hài cốt từ nơi cất bốc ra vị trí tập kết an toàn tuyệt đối, tổ chức trang trọng lễ tiễn đưa hài cốt liệt sĩ từ Cam-pu-chia về nước. Những việc làm đó đã góp phần giữ vững và tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

 Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, liên tục các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, Đội K52 được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Năm 2019 đơn vị được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới./.

Ngọc Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực