Về nguồn, nhớ Bản Quân lệnh số 1 năm 1945

Thứ hai, 21/12/2015 16:55
(ĐCSVN) - Chuyến đi về nguồn vừa qua của những người lính chúng tôi – Cựu chiến binh Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị nhân kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thật sự có ý nghĩa. Dẫn đầu là đồng chí Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức và 50 cán bộ đã từng nhiều năm gắn bó với công tác tổ chức của Quân đội. 
         
Đoàn tham quan cùng hướng dẫn viên bên Lán Nà Nưa.

Đoàn thăm những di tích lịch sử ở núi rừng “Thủ đô gió ngàn” thuộc khu vực Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang) trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà ở đó, Đảng, Bác cùng dân tộc ta đã làm nên mốc son lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Chúng tôi đến thăm làng Kim Long (Rồng vàng), đó là một trong những điểm đến của di tích. Kim Long là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, phong cảnh “sơn thuỷ, hữu tình”. Cây đa Tân Trào ở đầu làng, phía trước nhà ông Hoàng Trung Dân. Đây là cây đa đôi có cành lá xum xuê, bóng rợp, tán rộng, phía tây có cây si cành lá xanh tốt, từ lâu nhân dân Kim Long đã có câu ca:

“Kim Long cảnh đẹp như tiên
Ai mà đến đó thì quên đường về”.

Làng Kim Long còn có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự. Rất  thuận tiện và lợi thế cho phong trào cách mạng phát triển: Khi thuận lợi dễ dàng tấn công, khi gặp khó khăn có thể rút về phòng ngự. Làng Kim Long nằm trong một thung lũng nhỏ, bốn bề có núi rừng bao bọc, phía bắc là dãy núi Khau Hắp, Khau Tâm; phía đông là dãy núi Nà Lừa; phía tây nam có dãy núi Au Rừm, núi Nản Đeng trùng điệp. Kim Long có núi chắn, sông ngăn. Xưa kia vào Kim Long chỉ có một con đường duy nhất từ thị trấn Sơn Dương vượt qua nhiều khu rừng rậm rạp, vòng qua xã Thanh La, vượt qua sông Phó Đáy. Từ Kim Long có đường mòn vượt qua Đèo De, men theo chân núi Hồng sang chợ Chu, Định Hoá, thuộc Thái Nguyên. Từ khi cách mạng về, nhân dân đã có thêm câu ca:

“Kim Long đất hiểm tứ bề
Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long”.

Theo hướng dẫn viên Khu di tích: Từ vị trí chiến lược quan trọng này, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kim Long được chọn là “Trung tâm Thủ đô lâm thời khu giải phóng”, là nơi liên lạc giữa các vùng Việt Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Thời Cách mạng Tháng Tám, làng Kim Long có khoảng 23 hộ gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng: Nhà thì đặt cơ quan in báo, nhà thì đặt điện đài, nhà thì bộ đội giải phóng quân đóng… Sau này, các ngôi nhà trong làng đều có các vị đại biểu về dự Quốc dân Đại hội ở trong thời gian Đại hội.

Để chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, ngày 4 tháng 5 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pắc Bó - Tân Trào. Cùng đi với Bác còn có tiểu đội bảo vệ và hai người bạn Đồng Minh (hai sĩ quan Mỹ sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện).

Ngày 21 tháng 5 năm 1945, Bác cùng đoàn cán bộ đến đình Hồng Thái, sau đó vượt sông Phó Đáy vào làng Kim Long. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Bác cùng đoàn cán bộ đến làng Kim Long. Theo sự bố trí của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác và hai người lính Đồng Minh phụ trách điện đài đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự lúc đó là chủ nhiệm Việt Minh của làng. Điện đài bố trí dưới tán cây trong vườn nhà ông Sự để giữ liên lạc với quân Đồng Minh ở bên kia biên giới. Ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng một tuần, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác đã quyết định chuyển lên lán Nà Nưa.

Cách nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng ba trăm mét là nhà ông Hoàng Trung Dân - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong thời gian chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa từ ngày 21/5 đến ngày 16/8/1945.

Sau khi chuyển lên lán Nà Nưa, qua bộ máy điện đài của Mác Xim (chuyên gia điện đài của quân Đồng Minh), Bác đã liên lạc được với đại diện quân Đồng Minh ở Côn Minh, Trung Quốc. Bác đồng ý cho một nhóm quân Đồng Minh nhảy dù xuống Tân Trào. Ngày 16 tháng 7 năm 1945, đội “Con Nai” gồm 5 người, do thiếu tá Thô Mát chỉ huy, đã nhảy dù xuống làng Kim Long.

Được phép của Chính phủ ta lúc đó, những ngày sau, máy bay của quân Đồng Minh từ Côn Minh bay đến thả nhiều dù hàng xuống cánh đồng làng Kim Long, bao gồm: Vũ khí, quân tư trang, thuốc men… để giúp Việt Minh.

Cách cây đa Tân Trào 30 m về phía bắc là Nhà Cứu quốc, phụ trách là đồng chí Trần Thị Minh Châu. Tại đây, thường diễn ra các hoạt động: Diễn kịch, biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại... với mục đích tập trung quần chúng nhân dân để tuyên truyền giác ngộ cách mạng, khích lệ tinh thần yêu nước, đoàn kết.

Từ khi Bác Hồ và Trung ương về, làng Kim Long thực sự là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”. Từ đây mọi chủ trương, đường lối,  phương châm sách lược của Đảng được truyền đi khắp nơi trong cả nước, nhằm đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Ngày 12 tháng 8 năm 1945, sau khi nhận được tin Nhật gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng Minh đề nghị mở cuộc đàm phán, chấp nhận “ngừng bắn” chứ không chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện”, Bác hội ý với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, theo đề nghị của Bác, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được tổ chức tại khu rừng Nà Lừa. 

Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, thi hành mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành dưới bóng đa Tân Trào. Có mặt trong lễ xuất quân là đơn vị chủ lực của quân giải phóng, hạt nhân là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Bác Hồ chỉ thị thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Gần 200 chiến sĩ Quân giải phóng đứng thành hai hàng dọc từ cây đa xuống cây si, trước mặt là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phấp phới, các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào đến dự và tiễn đưa bộ đội đi chiến đấu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân, đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Đoàn quân vừa đi vừa hát vang bài ca “Nam tiến”.

Từ giờ phút đó, cây đa Tân Trào trở thành một trong những biểu tượng và là chứng nhân của lịch sử Cách mạng Tháng Tám của dân tộc, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. Từ lễ xuất quân này, quân giải phóng đã trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay với đầy đủ những quân, binh chủng hùng mạnh, cùng toàn dân đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, làm nên những kỳ tích trong lịch sử của dân tộc./.

                                                                                                                                                                                  Cẩm Lệ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực